Với kinh phí lên đến 200 triệu đô la, Vầng Trăng Máu (tựa gốc: Killers of the Flower Moon) đem đến hình dung rõ nét về một chương đen tối trong lịch sử nước Mỹ một thế kỷ trước, thông qua phần bối cảnh hoành tráng. Kết quả là một bộ phim giàu chi tiết đến mức nó kết hợp những phẩm chất của định dạng tài liệu với cảm xúc thỏa mãn của một tác phẩm điện ảnh tuyệt vời.
Bộ phim sau tuần mở màn đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, với số điểm 92% trên chuyên trang phê bình phim Rotten Tomatoes và điểm A- trên CinemaScore. Doanh thu khởi đầu 44 triệu đô toàn cầu của Vầng Trăng Máu cũng đang là con số tốt nhất của đạo diễn Martin Scorsese kể từ Shutter Island năm 2010. Ngoài Bắc Mỹ, Anh là thị trường có mở màn rất khả quan (3 triệu USD), tiếp theo là Pháp (2,6 triệu USD), Đức (1,6 triệu USD), Australia (1,4 triệu USD) và Tây Ban Nha (1,3 triệu USD).
Xung đột văn hóa vốn là một chủ đề xuyên suốt các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Martin Scorsese, và nó cũng đứng ở vị trí trung tâm trong câu chuyện của Vầng Trăng Máu. Bên cạnh việc bộ phim được tiến hành quay phim tại khu tự trị Osage bang Oklahoma, đạo diễn Scorsese còn tán thành tận dụng sự hợp tác toàn diện của Osage trong suốt khoảng thời gian dàn dựng bộ phim này.
Để tiếp cận Osage, đạo diễn của phim đã nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, truyền thống, mối quan tâm của họ, lắng nghe các câu chuyện mà họ kể, nghe họ tâm sự về những ước mơ, và tương tác với cả cộng đồng trong mọi giai đoạn của quá trình làm phim. Ông cũng khẳng định rằng người Osage cần phải được tôn trọng và trân trọng, đảm bảo rằng câu chuyện của họ sẽ được kể một cách chân thực và chính xác. Lựa chọn ekip thiết kế sản xuất cho Vầng Trăng Máu cũng là những cái tên vô cùng tiếng tăm tại Hollywood – Jack Fisk và thiết kế phục trang Jacqueline West.
Từ thiết kế phục trang
Jacqueline West đã mời một nhà tư vấn Osage bản địa để đảm bảo tính xác thực trong trang phục. Cô chia sẻ: “Marty có thể để tôi tự làm, nhưng tôi không thể tự mình làm điều đó. Julie O’Keefe – người có 10 năm điều hành một cửa hàng ở quê hương Pawhuska, Oklahoma – có con mắt tinh tường và mối liên kết với quá khứ mà West trân trọng.” O’Keefe tham gia tư vấn về phục trang một cách chi tiết hết mức có thể, từ sự khác nhau giữa trang phục của các quận trong Osage, màu sắc, chất liệu trang phục cho đến cách dùng ruy băng, trâm cài.
Jacqueline West dành 4 tháng chỉ để nghiên cứu online và tìm hiểu trong sách báo về văn hóa Osage. Trước khi tới Oklahoma quay phim, bà đã nắm trong tay nhiều nghiên cứu. Tại đây, nhà thiết kế phục trang này được tiếp xúc với người Osage bản địa và có hàng nghìn bức ảnh gia đình, đây là những tư liệu quý giá hỗ trợ cho quá trình thiết kế phục trang. Phần quần áo hầu hết được ekip tự thiết kế và may lại, trong khi trang sức và phụ kiện do các nghệ nhân Osage chính tay làm nên.
Những năm 20 chứng kiến thời kỳ thịnh vượng của người Osage, nhiều người trở thành những cá nhân giàu có nhất thế giới. Điều này được phản ánh trong cách họ ăn mặc. Người Osage đã đến Paris và thành phố New York; họ đã mua sắm ở Tiffany’s. Họ có gu thẩm mỹ thanh lịch và không có món đồ nào sang trọng mà họ không thể mua được.
Trong khi đó, nhân vật Mollie Burkhart do Lily Gladstone thủ vai được West tạo ra những bộ trang phục đậm tính truyền thống hơn như chăn Osage, áo và váy bản địa. Mollie như một la bàn đạo đức của Vầng Trăng Máu, là biểu tượng cho Osage Nation, nơi cô gìn giữ các giá trị truyền thống và tiếp nối di sản của dân tộc này.
Đến bối cảnh đỉnh cao
Jack Fisk từng đảm nhận cương vị thiết kế sản xuất cho 8 bộ phim đầu tiên trong sự nghiệp của Terrence Malick bao gồm Badlands, Days of Heaven, The Thin Red Line và The Tree of Life. Ông cũng tham gia thiết kế sản xuất cho Phantom of the Paradise và Carie, The Straight Story và Mulholland Drive. The Will Be Blood và The Revenant là hai tác phẩm đem về đề cử Oscar cho Jack Fisk với hạng mục Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất.
Vầng Trăng Máu là bộ phim đánh dấu lần đầu tiên hợp tác giữa Scorsese với Fisk. Thách thức đặt ra cho đội ngũ thiết kế sản xuất là rất lớn: kể lại một câu chuyện lấy bối cảnh là vùng đất Osage, hoặc là sử dụng những công trình có sẵn hoặc xây dựng mọi thứ từ đầu. Hầu hết các công trình của thị trấn Fairfax ngày trước đã được hiện đại hóa hoặc xuống cấp. Một bộ phim làm về thời kỳ những năm 20 ở vùng đất này cần có một không gian lớn, phản ánh được sự trù phú của Osage.
“Osage Nation đã mua lại một dặm vuông đất ngay gần Main Street ở Pawhuska, nơi có ga vận chuyển hàng hóa cũ.” Fisk kể lại. “Chính quyền đã dự định phá dỡ nhà ga đó và biến không gian đó thành khu vực vui chơi giải trí và công viên. Chúng tôi đã đề nghị họ lùi ngày khởi công và xin được giấy phép để dựng lên nhà ga cho VẦNG TRĂNG MÁU tại khu đất rộng rãi này. Chúng tôi sau đó đã vận chuyển tới đây 350 m đường ray và cả một đầu máy xe lửa. Một bối cảnh hoàn hảo!”
Xây dựng nên một thế giới từng suýt rơi vào quên lãng không dễ dàng. Để tái tạo thị trấn, Fisk đã xem các bức ảnh thời đó cũng như bản đồ bảo hiểm hỏa hoạn cho biết các tòa nhà được làm từ vật liệu gì. Ông nói: “Tôi có thể bố trí toàn bộ thị trấn, mọi tòa nhà, trong những năm khác nhau và cách chúng phát triển”.
Vùng đất Pawhuska nằm ở cách đó không xa là một lựa chọn quay dựng lý tưởng. “Bước cuối cùng trong việc tái dựng lại Đại lộ Kihekah là phủ bụi đất lên đường phố.” Fisk miêu tả. “Điều này giúp bối cảnh trở nên sống động và mang nét đặc trưng của miền Tây nước Mỹ.”
Fisk nói thêm: “Họ đã cho chúng tôi hai dãy nhà cũ nát ở Pawhuska để quay và tôi cố gắng tích hợp càng nhiều thông tin về Fairfax vào hai dãy nhà này”.
Fisk cũng điều tra lý lịch của các nhân vật trong phim để xây dựng bối cảnh chính xác về mặt lịch sử, bao gồm cả bối cảnh của nhân vật trung tâm Mollie Burkhart. “Tôi muốn tìm hiểu xem Mollie sống ở đâu vào năm 1920” ông giải thích. “Không ai biết, không có hồ sơ. Nhưng sau đó tôi bắt đầu xem xét hồ sơ của quận, và vào thời điểm bộ phim bắt đầu bấm máy, tôi đã tìm thấy bốn ngôi nhà của cô ấy.”
Hai trong số đó đã được tái hiện trong phim, bao gồm một ngôi nhà ở Fairfax mà Burkhart mua cùng chồng cô là Ernest, do Leonardo DiCaprio thủ vai.
Nhà thiết kế sản xuất cũng dành nhiều công sức để đầu tư cho khu nghĩa trang, bởi “Triều đại khủng bố” đã cướp đi quá nhiều sinh mạng. Các cảnh tiễn đưa người Osage trong phim mang nhiều hơn ý nghĩa mô tả, nó khắc họa nỗi đau của thế hệ và sự bất công, phân biệt của cả hệ thống.
Ekip đã chế tạo một giàn khoan dầu, tương tự như cái mà Fisk đã dựng cho phim There Will Be Blood của Paul Thomas Anderson năm 2007. Kết hợp CGI với sự tham gia của những “diễn viên” gia súc thật, khung cảnh trang trại sung túc và huyên náo của William Hale hiện lên sống động, đậm chất miền Tây.
Fisk hài hước chia sẻ: “Marty (đạo diễn Martin Scorsese) đến từ New York, vì thế ông ấy sướng điên lên khi thấy đồng cỏ và đàn gia súc – cứ như một đứa trẻ ở tiệm tạp hóa vậy. Ông ấy khiến lũ bò đó kiệt sức vì quay phim!”.
Cuối cùng, khoảng 40 bối cảnh đã được dựng cho Vầng Trăng Máu – một con số khủng xứng tầm với kinh phí khổng lồ. “Để xây dựng bối cảnh, bạn phải suy nghĩ khác đi, nhưng tôi nghĩ phần thưởng thực sự là bạn sẽ cảm nhận được mình đang ở một nơi khác trong dòng thời gian của lịch sử”.