LTS: Nhân kỷ niệm 6 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xin trân trọng gửi tới độc giả những dòng chia sẻ đầy cảm xúc của Tiến sĩ Mark Ashwill, khi ông – với tư cách là một người Mỹ, một người bạn của Việt Nam – có vinh dự thể hiện sự kính trọng của mình đối với vị anh hùng dân tộc của nước Việt.
—
Thời khắc đặc biệt
6 năm đã trôi qua nhưng ký ức về sự ra đi và lễ tang của vị tướng vĩ đại ấy vẫn còn hằn sâu trong tâm trí tôi.
Trong lúc hàng chục nghìn người Việt Nam kiên nhẫn đứng chờ dưới cái nắng gắt của mùa thu để gửi lời chào tiễn biệt cuối cùng tới vị anh hùng dân tộc – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – khi thi hài ông được đưa tới Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội, thì tôi đứng ở một góc có thể nhìn thấy cỗ quan tài phủ cờ của ông. Đó là một khoảnh khắc rất đỗi kỳ lạ khi tôi, với tư cách một người Mỹ, một người bạn của Việt Nam và là thành viên duy nhất không phải là cựu chiến binh trong phái đoàn nhỏ của Mỹ, có vinh dự thể hiện sự kính trọng của mình đối với ông.
Trong lúc chờ đi vào phía trong nhà tang lễ, tôi và bạn bè để ý thấy một vị khách Tây đang ngồi tựa vào thành một chiếc ghế đá, tay cầm chiếc camera quan sát quang cảnh xung quanh. Tôi cũng nhận ra tên in trên tấm thẻ báo chí của bà ấy: Catherine Karnow, tạp chí National Geographic. Nhờ lời giới thiệu của cha – nhà báo kiêm nhà sử học Stanley Karnow, Catherine đã trở thành nhiếp ảnh gia nước ngoài duy nhất có cơ hội đồng hành với tướng Giáp vào tháng 5/1994 trong chuyến đi tới Điện Biên Phủ – nơi ông từng đánh bại thực dân Pháp 40 năm trước.
Catherine đã đặt một chuyến bay vào phút chót tới Hà Nội để đưa tin về câu chuyện cuộc đời của tướng Giáp và bày tỏ lòng thành kính của bà với ông. Đối với Catherine, chuyến đi này vừa là vì công việc, vừa là vì cá nhân bà.
Khi đến giờ viếng, chúng tôi nhanh chóng được dẫn vào phòng tang lễ, tại đây tôi cúi đầu, thầm cầu nguyện, gửi lời chia buồn tới gia đình tướng Giáp và ghi lại đôi dòng suy nghĩ của mình lên cuốn sổ tang. Đây là khoảnh khắc xúc động sâu sắc đối với tôi. Tôi không thể liên hệ được sự mất mát và nỗi buồn khi tướng Giáp qua đời với bất kì vị tướng nào ở Mỹ bởi trong lịch sử Mỹ – hoặc ít nhất trong cuộc đời tôi, chưa từng có ai được như tướng Giáp.
Tôi biết rằng với những người bạn của tôi – những người đã coi Việt Nam là “nhà” sau khi bước ra từ cuộc chiến tranh khiến họ mang trên mình đầy thương tích và gây ra những biến đổi về mặt cảm xúc lẫn tâm hồn, thì đây là một thời khắc vô cùng đặc biệt.
Vị tướng vĩ đại
Khi tướng Giáp còn sống, tôi thường lái xe băng qua ngôi nhà của ông ở số 30 đường Hoàng Diệu, lòng tự nhủ rằng chúng tôi đang được sống cùng với một huyền thoại sống – người đã thay đổi tiến trình lịch sử, khiến Việt Nam và thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Ngoài 90 tuổi, tướng Giáp vẫn thể hiện sự quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến cho các vấn đề nóng của xã hội. Giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh, tướng Giáp rất quan tâm đến các vấn đề giáo dục, ông đã trao đổi với Đại sứ Mỹ về việc ủng hộ tăng cường trao đổi giáo dục Việt-Mỹ và gửi thêm nhiều học sinh/sinh viên Việt Nam tới học tập tại Hoa Kỳ.
Ông Giáp là một vị tướng yêu nước. Cũng như những người con yêu nước khác, ông muốn đất nước của mình trở nên tốt đẹp hơn, và ông biết rõ rằng mong muốn này của mình có thể thực hiện được.
Sau khi dành hàng thập kỷ đấu tranh cho độc lập và chủ quyền dân tộc, tướng Giáp vui trước những gì Việt Nam có thể đạt được trong thời bình. Ông đã sống một cuộc đời bình dị, tràn ngập những hy sinh và tích cực quan tâm đến nhu cầu của cộng đồng. Về mặt này, tướng Giáp là hình mẫu cho tất cả chúng ta, bất kể chúng ta đến từ quốc gia nào.
Là một trong những thế hệ tân tiến được hưởng nền giáo dục cao của Việt Nam, tướng Giáp hoàn toàn có thể trở thành một vị giáo sư lịch sử, nhà báo hoặc luật sư nếu không vì sự xâm lược của thực dân Pháp, và sau đó là đế quốc Mỹ.
Giống như nhiều người con đất Việt ở thế hệ của ông, tướng Giáp buộc phải học và thực hành nghệ thuật-khoa học chiến tranh, trải qua những việc mà người bình thường không thể tưởng tượng nổi (cha của ông qua đời trong nhà giam, và người vợ đầu tiên của ông – Nguyễn Thị Quang Thái – em gái của bà Nguyễn Thị Minh Khai – cũng qua đời trong nhà lao của giặc sau khi bị tra tấn).
Tướng Giáp đã học tập và rèn luyện thật tốt, đã kiên trì và cuối cùng đã giành chiến thắng cho cả bản thân ông và cho đất nước Việt Nam.
Sáng sớm ngày hôm sau lễ viếng, băng qua những hàng cây và dòng người đưa tiễn ở Hà Nội, chiếc xe chở linh cữu tướng Giáp và đoàn tang lễ đã tới sân bay để đưa thi hài ông về quê nhà ở Quảng Bình. Mặc dù rất buồn nhưng để lại trong tôi là một ấn tượng sâu sắc.
Catherine Karnow – người đã tiếp nhận cuộc phỏng vấn về tình bạn của bà với tướng Giáp cùng gia đình của ông, và mối liên hệ đặc biệt của bà với Việt Nam trong phóng sự phát sóng trên Đài truyền hình quốc gia Việt Nam ngày 7/5/2014 nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đã nói về những trải nghiệm của bà trong thời gian tướng Giáp mất:
“Tôi quá bất ngờ khi thấy hàng nghìn, hàng nghìn người xếp hàng xa ngút tầm mắt để bày tỏ lòng thành kính và nói lời tiễn biệt với tướng Giáp, cả ở Hà Nội và Quảng Bình. Tôi chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào như vậy.
Tất cả mọi người đều bất ngờ, kể cả gia đình tướng Giáp. Một người cháu trai của ông nói với tôi rằng, anh đã rất mệt nhưng ‘cũng rất tự hào vì mọi người yêu mến ông của tôi đến vậy’”.
Việt Nam và thế giới cần có nhiều hơn những người con có tài lãnh đạo, gần gũi với người dân và tận tâm vì lợi ích chung như tướng Giáp. Sự ra đi của ông đã khiến những người con Việt Nam, từ mọi độ tuổi và tầng lớp xã hội, sát lại cùng nhau.
Trong suốt một tuần, trái tim, tâm hồn và tâm trí của mọi người dân Việt Nam đều đồng nhất hướng về tướng Giáp. Và cũng trong một tuần đó, một vài người trong chúng tôi đã cảm nhận được điều đáng quý ấy.