Thế giới đang ở trong một nguy cơ nghiêm trọng, có thể bị tàn phá bởi các dịch bệnh hoặc đại dịch trên quy mô khu vực hoặc toàn cầu. Nguy cơ này không chỉ gây ra thiệt hại sinh mạng mà còn cản trợ các nền kinh tế phát triển và tạo ra nhiều bất ổn xã hội”, GPMB tuyên bố trong báo cáo của mình.
Đại dịch tiếp theo xảy ra trên quy mô toàn cầu có thể giết chết từ 50-80 triệu người, theo một báo cáo của Ủy ban Giám sát Ứng phó Toàn Cầu (GPMB). Điều đáng nói là tất cả chúng ta đều chưa có sự chuẩn bị tốt cho đại dịch này.
“Thế giới đang ở trong một nguy cơ nghiêm trọng, có thể bị tàn phá bởi các dịch bệnh hoặc đại dịch trên quy mô khu vực hoặc toàn cầu. Nguy cơ này không chỉ gây ra thiệt hại sinh mạng mà còn cản trợ các nền kinh tế phát triển và tạo ra nhiều bất ổn xã hội”, GPMB tuyên bố trong báo cáo của mình.
Ủy ban Giám sát Ứng phó Toàn Cầu (GPMB) là một cơ quan độc lập, gồm các chuyên gia được tập hợp bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Nguy cơ của một đại dịch lớn, giết chết từ 50-80 triệu người làm suy giảm 5% kinh tế thế giới
GPMB được hình thành để đáp ứng với khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm đối phó khủng hoảng Liên Hợp Quốc, sau khi cơ quan này cảm thấy cần phải có một ủy ban giám sát toàn cầu giúp chúng ta theo dõi công tác chuẩn bị ứng phó với các đại dịch như Ebola năm 2014-2016 ở Tây Phi.
Ra mắt vào năm 2018, GPMB đã tích cực theo dõi và đánh giá mức độ sẵn sàng của các chính phủ và tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới cho các dịch bệnh và các cuộc khủng hoảng liên quan đến sức khỏe khác.
Ngoài việc phát hiện và cảnh báo các vấn đề và thiếu sót, GPMB cũng cung cấp các khuyến nghị cho lãnh đạo chính phủ, các tổ chức và những cá nhân có thẩm quyền ra quyết định. Bản báo cáo mà họ vừa công bố có tên “Thế giới đang đứng trước nguy cơ” là báo cáo đầu tiên trong số một chuỗi các báo cáo tương tự dự định được phát hành mỗi năm một lần.
Trong báo cáo năm nay, các chuyên gia GPMB đã đánh giá các xu hướng xã hội, kinh tế và chính trị mới nổi, cũng như những mô hình mới nhất về nguy cơ lây lan cao của bệnh truyền nhiễm trên khắp thế giới đặt bên cạnh nhiều yếu tố khác. Trích dẫn các xu hướng toàn cầu như biến đổi khí hậu và mất an ninh quốc tế, các tác giả cảnh báo một khả năng bùng phát dịch bệnh lớn.
Trong phần giới thiệu được viết bởi đồng chủ tịch GPMB Gro Harlem Brundtland, cựu Thủ tướng Na Uy, và Elhadj As Sy, tổng thư ký của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các tác giả đặt mối quan tâm của họ vào kịch bản ảm đạm nhất.
“Một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu đang hiện diện”, họ viết. Trong nguy cơ đó là “mối đe dọa rất hiện hữu của một mầm bệnh hô hấp, gây ra đại dịch với tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao có thể giết chết 50 đến 80 triệu người và xóa sổ gần 5% nền kinh tế của thế giới“.
“Một đại dịch toàn cầu trên quy mô đó sẽ là một thảm họa“, GPMB nhận định. Nó sẽ tàn phá một khu vực rộng lớn, châm ngòi cho những bất ổn và gây bất an cho nhân loại, đặc biệt là khi chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó.
Tất cả chúng ta đều chưa sẵn sàng đối mặt với thảm họa
Mức độ sẵn sàng trên quy mô toàn cầu được mô tả trong báo cáo là “không đủ mạnh”. Mặc dù nhiều nước đã xây dựng các chương trình ứng phó khẩn cấp quốc gia, nhưng GPMB cho biết tất cả các khía cạnh trong kế hoạch đều tương đối sơ sài và thiếu sự tham gia đóng góp của công chúng.
Các chuyên gia độc lập đã lấy ví dụ về sự ứng phó của nhiều nước với dịch Ebola, SARS, dịch tả , sởi và cúm để thấy: Các chính phủ và cơ quan có liên quan khá bất lực trong việc phát triển các cách tiếp cận lâu dài và liền mạch để đối phó với kịch bản dịch bệnh mới.
“Đã từ rất lâu, chúng ta đã mặc định mình vào một chu kỳ hoảng loạn – phó mặc khi đối mặt với đại dịch: Chúng ta luôn tăng cường nỗ lực khi phải đối phó với một mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng rồi lại nhanh chóng quên chúng đi khi mối đe dọa lắng xuống“, các tác giả viết.
Điều này sẽ khiến chúng ta luôn bị đẩy vào thế bị động khi đối phó với dịch bệnh. Và trong khi tất cả các nền kinh tế đều sẽ bị tổn thương vì điều đó, những nước nghèo có thể phải chịu thiệt hại lớn nhất.
Theo các chuyên gia của GPMB, các nước kém phát triển thường không có đủ dịch vụ y tế cơ bản, nước sạch và các yếu tố vệ sinh cộng đồng kém làm trầm trọng thêm sự lây lan của bệnh truyền nhiễm.
Các động lực khác có thể đóng góp vào quá trình bùng phát dịch được trích dẫn trong báo cáo mới bao gồm: sự gia tăng các xung đột quốc tế, sự gia tăng của các quốc gia nghèo đói, gia tăng di cư, khủng hoảng khí hậu và đô thị hóa.
Các mô hình của GPMB dự đoán một đại dịch toàn cầu sẽ làm giảm 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nam Á, tương đương 53 tỷ USD, và làm giảm GDP của khu vực Hạ Shahara ở Châu Phi xuống 1,7%, tương đương 28 tỷ USD.
Các quốc gia hiện không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dịch vụ y tế công cộng, cơ sở hạ tầng y tế và cơ chế kiểm soát dịch bệnh hiệu quả đều phải đối mặt với những thiệt hại lớn nhất, bao gồm lượng người tử vong, di cư và nền kinh tế bị tàn phá.
Đưa ra những gợi ý, báo cáo của GPMB liệt kê một số hành động khẩn cấp mà chúng ta có thể làm để chuẩn bị tốt cho một đại dịch trong tương lai, nếu nó xảy ra. Các gợi ý bao gồm một đồng thuận của những người đứng đầu chính phủ các nước, cam kết đầu tư phát triển các hệ thống mạnh mẽ để đối phó với dịch bệnh, và một lời kêu gọi các tổ chức tài chính chuẩn bị với kế hoạch rủi ro tài chính.
Các quốc gia, nhà tài trợ và các tổ chức đa phương phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất, GPMB cho biết. Một trong số các mô hình ấy đã được thực hiện. Báo cáo của GPMB liệt kê 59 nước và vùng lãnh thổ đã xây dựng được kế hoạch hành động quốc gia về an ninh y tế cho mình.
Mặc dù vậy, họ chưa đầu tư đầy đủ cho các dự án này. GPMB đang kêu gọi tăng tiền tài trợ cho các hoạt động chẩn bị ứng phó với dịch bệnh từ cấp địa phương, quốc gia cho đến quốc tế.
Không có gì phải nghi ngờ, bản báo cáo của GPMB thực sự rất nghiêm túc và đáng chú ý. Nhưng vẫn còn một câu hỏi mở, rằng liệu các quốc gia và thế giới có lắng nghe và thực hiện nó hay không, đặc biệt là trong bối cảnh vô số mối quan tâm có vẻ cấp bách hơn vào lúc này.
Tham khảo Gizmodo