Từ vài năm nay, các quảng cáo tế bào gốc mang nội dung na ná nhau được quảng bá rộng rãi ở Việt Nam theo cách nửa kín nửa hở rất kích thích người quan tâm.
“Đi Nhật tiêm tế bào gốc để trẻ hóa cơ thể và tự chữa bệnh không dùng thuốc” – Từ vài năm nay, các quảng cáo mang nội dung na ná như trên được quảng bá rộng rãi ở Việt Nam theo cách nửa kín nửa hở rất kích thích người quan tâm.
Từ những câu chuyện truyền miệng có vẻ “người thật việc thật” như anh A, chị B bỏ tiền tỷ đi Nhật tiêm, trẻ ra khoảng 20 tuổi, mọi bệnh biến sạch, cho đến các phương thức kêu gọi đăng ký vào các hội nhóm kín, có người giới thiệu để được giảm giá.
Trước tình trạng nhiều cơ sở điều trị tế bào gốc ở Nhật Bản đang ồ ạt tiếp thị, giới thiệu phương pháp này về Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu bài viết vừa được đăng trên Nature, một tạp chí khoa học uy tín hàng đầu của thế giới, với mong muốn cung cấp một góc nhìn đúng hơn về các tiếp cận này.
Từ đó hy vọng giúp bệnh nhân và người thân lựa chọn và theo đuổi hướng điều trị đúng, an toàn và hiệu quả. Bài viết do TS.BS Phạm Nguyên Quý (Đại học Kyoto, Nhật Bản) và DS Phạm Phương Hạnh (Canada) lược dịch.
Nằm lọt thỏm trong khu thời trang sành điệu nhất của Tokyo – cách hai tầng phía trên một tiệm bánh ngọt Pháp sang chảnh là trung tâm tế bào gốc mang tên Helene Clinic. Nhân viên tại trung tâm này đang tiến hành truyền tế bào gốc vào tĩnh mạch cho khách hàng nhằm mục đích điều trị bệnh tim mạch.
Từng khách du lịch y tế được các nữ tiếp tân ăn mặc thanh nhã dẫn vào các phòng khám. Liệu trình điều trị điển hình bắt đầu bằng việc các bác sĩ lấy mẫu sinh thiết da từ phía sau tai rồi từ đó trích xuất tế bào gốc từ mô mỡ. Sau đó, họ nuôi cấy tế bào để tăng sinh lượng tế bào gốc lên nhiều lần rồi truyền chúng vào tĩnh mạch người bệnh.
Các nhân viên tại đây tuyên bố rằng các tế bào gốc sẽ “tự tìm tới nơi tổn thương để sửa chữa”, ví dụ như các động mạch bị xơ cứng do tình trạng xơ vữa.
Trên tường của trung tâm này là hai poster phác thảo kết quả đầy hứa hẹn, tạo ra một không khí đầy tính khoa học và vẻ ngoài hợp pháp. Tuy nhiên các poster ấy lại không cung cấp bất cứ dữ liệu, thông tin nào về các phương pháp điều trị tại phòng khám.
Khi bị một khách hàng truy hỏi, cô nhân viên cho biết cô không thể đưa ra bằng chứng về hiệu quả điều trị bệnh của các dịch vụ tại Helene Clinicvì mỗi bệnh nhân sẽ có kết quả khác nhau. Cô ấy còn giải thích rằng việc điều trị phần lớn là để phòng ngừa và đây là phương pháp chống lão hóa.
Né tránh và vòng vo
Khi tạp chí Nature chất vấn công ty này với hàng loạt câu hỏi, người đại diện đã từ chối cung cấp bằng chứng cho thấy hiệu quả của việc điều trị, thông tin về số người được điều trị thực tế cũng như kết quả điều trị của bệnh nhân.
Thay vào đó, người này nói công ty sẽ công bố kết quả trong báo cáo tại các hội nghị trong tương lai. Ông ta khẳng định các quy trình được tiến hành tại Helene Clinic đã trải qua các đánh giá cần thiết và được chứng nhận theo đúng yêu cầu của pháp luật và “bệnh nhân chưa hề bị tác dụng phụ”.
Những phòng khám cung cấp các liệu pháp tế bào chưa được chứng minh như Helene Clinic không phải là mới và cũng không phải là duy nhất ở Nhật Bản.
Tại đất nước này, đã có 2 đạo luật được Chính phủ đưa ra từ năm 2014 để kích thích kinh doanh và đưa Nhật Bản chiếm vị trí hàng đầu thế giới về y học tái sinh. 5 năm sau, ở Nhật Bản đã có hơn 3.700 phương pháp điều trị gồm nhiều phương pháp sử dụng tế bào gốc, được cung cấp tại hàng trăm phòng khám trên cả nước.
Kèm theo đó là làn sóng các công ty nước ngoài tới thiết lập chi nhánh, lợi dụng sự cởi mở về mặt pháp lý. Đây có thể xem là ngành công nghiệp béo bở.
Sau khi Giáo sư Shinya Yamanaka của Đại học Kyoto giành giải Nobel về Sinh lý học/Y học cho công trình nghiên cứu về các tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS), Nhật Bản đã đầu tư mạnh mẽ vào y học tái tạo và nay thực sự trở thành tâm điểm của sự phát triển các liệu pháp mới. Câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ của ông Abe có đang quá nóng vội hay không?
Cách quản lý khác biệt ở Nhật Bản: Có thể An toàn nhưng chưa chắc Hiệu quả
Đạo luật thứ nhất là Đạo luật về tính An toàn của Y học tái sinh (ASRM) được thông qua vào tháng 11/2014, cho phép các bệnh viện và phòng khám tiếp thị các liệu pháp tế bào mà không cần thông qua các loại thử nghiệm thường quy để chứng minh sự hiệu quả.