“Thương quá Nục ởi!” là tập tạp văn mới của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu. Tập sách kể về câu chuyện xoay quanh những món ăn thấm tình đậm vị quê mà tác giả gắn bó qua suốt bao nhiêu năm khi làm dâu đất Bình Định. Là một phụ nữ gốc Bắc (được sinh ra ở Quãng Ngãi, nhà nơi cầu Hàng Bồ), Nguyễn Mỹ Nữ nên duyên cùng chồng và gắn bó với nơi đây qua bao nhiêu năm tháng, như một bến đỗ cuộc đời vậy.

Những món ăn mang mùi vị “nhớ thương”. Sách dày 216 trang, gồm 50 bài viết về những món ăn dân dã Bình Định, có thể kể đến như: “Xèo xèo… vỏ” là món bánh xèo ở Tam Quan, vỏ bánh trắng tinh được đổ xèo xèo trong khuôn tròn nhỏ trên bếp than đỏ lửa, vỏ mỏng giòn chấm mắm đục. “Xù xì cây tré xứ này”, món ăn làm mồi lai rai không gì sánh bằng, tai heo sần sật và bùi bùi của thính, thơm của riềng và tỏi, cay cay của tiêu… bó trong lá ổi, lá chuối ngoài cùng là rơm được bó lại, dân dã. “Thập cẩm… mắm” của má chồng với mắm cua làm cho người ăn từ ưa tới ghiền, thật khó diễn tả, có thể là mắm cua kho xôi xổi với sắn hay đậm đà hơn là có thêm cá rô và mỹ vị hơn nữa là thịt ba chỉ kho trên bếp lửa liu riu. “Mứt xà bần” với nhiều thứ nguyên liệu ít tiền – bình dân mứt dừa, mứt bí đao, mứt me.. tới sang hơn là mứt hạt sen, mứt mãng cầu, mứt hồng… được chuẩn bị trước.


Món mứt thập cẩm là khúc biến tấu hòa trộn của vụt vặt còn lại các loại mứt trên thêm một chút gừng, cà chua, thơm, bí đao… trộn đều vào chậm rãi mà rim. Món ngon gắn liền với “cá Nục” kho sền sệt, nấu canh lá giang, cháo cá, cá chiên chấm nước mắm chua ngọc xoài bằm, canh cá nục kho giằm giằm trái sấu, cá nục hấp nguyên vị để cuốn bánh tráng ăn. Có “ruốc” là bữa cơm gia đình bỗng rộn vui, tiếng bẻ bánh tráng nướng rồm rộp để xúc ruốc, canh ruốc, gỏi ruốc, ruốc xào, ruốc kho, bánh xèo hay bánh căn có ruốc… là món ăn khiến chúng ta bồi hồi một cách dịu êm. Còn quá nhiều món quê gây thương nhớ như: cá chuồn kho mít non, bún quậy với tôm hoặc rạm, bánh nổ, chè kho, xu xoa, bánh tráng nướng, bánh rế, món ngon với con nuốt, các loại thịt thưng, mít non trộn gỏi, chả ram, chả ốc, chè ỉ nóng thơm lừng, gié đắng cùng rượu nồng…


Nguyễn Mỹ Nữ chia sẻ khi viết về tập sách này là vì Má chồng: “Còn má, nào chỉ đơn thuần là má chồng tôi. Bởi chúng tôi đã yêu thương gắn bó và thân thiết với nhau quá chừng. Khi má hãy còn, viết về má, tôi cười. Má đi xa, viết cho má, lòng tôi run khựng… Cảm xúc ấy, tôi vẫn bắt gặp trong suốt những lần viết đi viết lại, chỉnh sửa tới lui cho tập sách này”.

Không hể thiếu trong cuộc đời viết văn và làm báo của mình, với tình cảm của má, với gia đình và thân cận nhà chồng, những người giờ đây tác giả coi như máu thịt và Bình Định là quê hương thứ hai của mình. Dù có đi bất cứ nơi đâu, món cơm gia đình của má, của vợ vẫn là món ăn ngon nhất trong lòng chúng ta. Những món ăn dân giã được nấu bởi trọn tấm lòng của người phụ nữ trong gia đình đã giữ chân chồng con với tổ ấm bao lâu nay. Ví như món mắm mặn mòi khó quên mà tác giả miêu tả: “Còn nữa chứ! Mắm quê sao có thể đậm đà ý nghĩa, khi không được thưởng thức cùng những người thân khi trời bỗng đổ mưa. Mắm, những hồi đó, đã như thể là chất keo dính kết tình nghĩa gia đình”. Nhắc tới mắm là nhớ đến chuyện nhờ mắm mà tác giả cùng chồng nên duyên nhờ món ăn dân giã này, thuở đôi mươi. Món mắm cá mương sông Côn – một món ăn cải thiện đời sống thời còn khó khăn – đã gắn kết đôi lứa yêu nhau, thành chồng thành vợ cho đến ngày nay.


“Thương quá nục ởi!” được Nguyễn Mỹ Nữ gom góp và sắp xếp lại từ rất nhiều bài viết từng xuất hiện trên các trang báo trong nhiều năm cũng như để ghi dấu 35 năm làm dâu Bình Định của mình. Ở đó, không thể thiếu những món ngon của má chồng yêu quý mà giờ đây chỉ có thể nhớ tâm trí với tình yêu thương, trân trọng.