Tập sách “Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam” của NNC Nguyễn Đức Hiệp. Quyển sách tái hiện những ký ức về lĩnh vực lịch sử kịch nghệ và điện ảnh Việt đã trải qua gần 100 năm từ những năm trong thời kỳ chiến tranh khó khăn gian khổ đến giai đoạn đất nước hòa bình và phát triển cho đến những năm gần đây. Bên cạnh đó là sự chuyển biến về sở thích thưởng thức các hình thức nghệ thuật đa dạng của nhiều tầng lớp người dân Việt theo thời gian.
Sách dày 288 trang gồm các phần: Tổng quan Sài Gòn – Chợ Lớn: Sự chuyển mình và nhận thức của xã hội đầu thế kỷ 20; Sân khấu kịch nghệ; Điện Ảnh. Nội dung sách tuần tự đi vào các giai đoạn thành lập và phát triển từ sân khấu kịch nghệ đến điện ảnh và tân nhạc. Với “Lịch sử sân khấu kịch nghệ và điện ảnh Việt Nam”, từ giai đoạn đầu thế kỷ 20, sự phát triển sân khấu nghệ thuật cải lương, kịch và điện ảnh cũng như âm nhạc có liên hệ mật thiết với nhau. Nhiều nghệ sĩ và soạn giả vừa hoạt động trên sân khấu cải lương và cũng tham gia đóng kịch, đóng phim và hát tân nhạc. Ví dụ như soạn giả kịch Nguyễn Văn Vĩnh và các nghệ sĩ sân khấu kịch ở Hà Nội cũng là những người tham gia thực hiện cuốn phim đầu tiên của Việt Nam, phim Kim Vân Kiều vào năm 1924. Sau này các ca sĩ, diễn viên kịch và cải lương cũng là các tài tử trên các phim ảnh như Tuyết Khanh đóng phim Cánh đồng ma ở Bắc Kỳ cũng là diễn viên kịch trong ban Đông Phương ở Hà Nội, các kịch sĩ và cải lương Kim Cương, Thanh Lan, Hùng Cường, Bạch Tuyết, La Thoại Tân,… cũng là các diễn viên phim ảnh.
Ở Nam Kỳ, tầng lớp trí thức đã thu nhập các thành phần của sân khấu kịch Tây phương từ dàn cảnh, đối thoại đến âm nhạc mang vào sân khấu nghệ thuật hát bội và nhạc tài tử để thành cải lương. Sân khấu cải lương đã phát triển thành công và có chỗ đứng vững chắc trong xã hội vào giai đoạn này do sự chấp nhận của mọi thành phần xã hội. Ảnh hưởng của kịch nói Tây phương ban đầu qua các vở kịch cổ điển sau đến các vở kịch phản ảnh cuộc sống và hoàn cảnh ở Việt Nam. Các nhà soạn kịch và diễn viên ở thời kỳ đầu đều là những người theo Tây học như Jacques Lê Văn Đức, Vũ Đình Long, Nguyễn Văn Vĩnh, Thế Lữ. Thập niên 1930 chứng kiến sự phát triển của kịch đến với quần chúng ở các thành phố như Sài Gòn, Hà Nội với đa số khán giả là thành phần trung lưu ảnh hưởng Tây học. Lúc này sân khấu cải lương và sân khấu chèo hay hát bội vẫn còn thu hút các khán giả thuộc nhiều thành phần trong xã hội.
Ở Bắc Kỳ thì trái lại, nghệ thuật tuồng và chèo truyền thống đã dần bị thay thế bởi sân khấu kịch được hình thành và phát triển ở các đô thị chủ yếu là ở Hà Nội do các trí thức Tây học du nhập vào. Sân khấu kịch ở Bắc Kỳ phát triển nhanh chóng và phổ thông trong các thành phần trung lưu và có học. Sau này một số các ban kịch, các nhà soạn kịch và các nhạc sĩ ở miền Bắc nhất là trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp từ 1945 đến 1954 đã vào Nam và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sân khấu kịch và tân nhạc ở Sài Gòn và Nam Kỳ.
Nghệ thuật điện ảnh Việt Nam đã có lịch sử lâu dài đến nay đã gần 100 năm từ cuốn phim đầu tiên Kim Vân Kiều (1924). Phim ảnh Việt Nam đã phản ảnh được tiến trình xã hội thay đổi qua thăng trầm lịch sử. Qua phim ảnh ta có thể hiểu thêm được về đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa trên các miền đất nước qua các giai đoạn lịch sử, từ sự hình thành và phát triển trong thời thuộc Pháp, thời chiến tranh Việt-Pháp, thời đất nước chia đôi, thời kỳ đất nước thống nhất cho đến giai đoạn đổi mới và tiếp nối tới ngày nay.
Điện ảnh được du nhập và phát triển cùng thời và đồng bộ vào đầu thế kỷ 20 cho đến 1954 ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam. Sau năm 1954, điện ảnh ở miền Nam và miền Bắc đi theo hai xu hướng khác nhau. Miền Nam hoạt động sản xuất phim ảnh do cá nhân cũng như các công ty tư nhân là chính. Do đó đề tài của phim ảnh rất đa dạng từ thương mại chủ yếu phục vụ nhu cầu của khán giả và thành công đạt doanh thu đến các tác phẩm phim ảnh nghệ thuật của một số nhà đạo diễn tiên phong và các hãng phim có thực lực đầu tư cho các đề tài mới theo trào lưu của điện ảnh ở Á châu và thế giới. Điện ảnh miền Bắc do các hãng phim nhà nước thực hiện với mục đích là xây dựng một xã hội mới theo hướng xã hội chủ nghĩa và góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đề cao tinh thần yêu nước, tập thể hơn là vai trò và nhận thức cá nhân. Sau năm 1975, sự chuyển biến từ điện ảnh lý tưởng đến điện ảnh hiện thực bắt đầu từ giai đoạn trong thời kỳ Đổi mới ở cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990. Từ thập niên 1990 cho đến 2010 là một sự nhảy vọt của điện ảnh Việt Nam với nhiều đạo diễn thế hệ trẻ trong và ngoài nước với các phim nhân văn và nghệ thuật như các phim Ngọc trong đá (1991), Mùi đu đủ xanh (1993), Thương nhớ đồng quê (1996), Ba mùa (1998), Đời cát (1999) và tiếp theo là các phim Bến không chồng (2000), Mùa ổi (2001), Mùa len trâu (2004), Trăng nơi đáy giếng (2008). Các phim thực hiện trong giai đoạn này với các nhà đạo diễn người Việt trong và ngoài nước đã mang điện ảnh Việt Nam nhận được sự chú ý và thành đạt xuất sắc trong nền điện ảnh thế giới với các tác phẩm được đánh giá cao. Đây là những bước khởi đầu cho một tương lai tốt đẹp của nền điện ảnh Việt Nam trong chặng đường lịch sử 100 năm điện ảnh ở nước này.
Nói về những khó khăn tác giả chia sẻ: “Trước đây, tôi đã có viết về sân khấu hát bội, đờn ca tài tử và cải lương. Sau cuốn sách đó, tôi có ý định viết tiếp về sân khấu kịch và điện ảnh từ năm 2018. Từ đó đến nay, tôi nghiên cứu và viết không liên tục lắm, có lúc để thời gian cho công việc khác. Tuy vậy, khi tôi tiếp cận được tư liệu mới, qua tra cứu hay được một số các bạn sưu tập ở TP. HCM gởi cho các tư liệu xưa nhất là về lãnh vực điện ảnh, tôi để tâm viết trong sự liên kết giữa tư liệu và bối cảnh xã hội lịch sử của thời kỳ đó với tư liệu đã có và những gì mà chúng ta đã biết cũng như tầm ý nghĩa của nó.
Để có thể đánh giá một tác phẩm kịch hay một cuốn phim, tôi đã đọc và xem rất nhiều phim (dĩ nhiên chỉ một số phim tiêu biểu và chọn lọc) cũng như đọc nhưng thông tin và phê bình về các tác phẩm này. Vì thế khá nhiều thời gian để hoàn tất công trình. Tuy vậy, đề tài còn phong phú, dài và rộng trong khung thời gian và không gian, nên những gì đề cập trong cuốn sách này chỉ là một phần và do đó còn nhiều thiếu sót. Một số các phim có thể tiếp cận được trên Youtube, và kỷ niệm đáng nhớ là ngay cả trên kho phim của Vietnam Airlines có các phim cổ điển Việt Nam như “Vợ chồng A Phủ”, “Mùa Len Trâu”, “Đời Cát”, v.v… mà tôi đã xem khi bay với hãng hàng không này.”
Ngày nay điện ảnh Việt Nam cũng đa dạng với các hãng phim tư nhân sản xuất dòng phim thương mại hợp với thực trạng xã hội và thị hiếu của người xem, đồng thời cạnh tranh được với các phim nước ngoài.
Quyển sách Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam ra đời với mục đích giới thiệu sự hình thành và phát triển của sân khấu kịch nghệ và điện ảnh vào đầu thế kỷ 20 cho đến thập niên 2010 chủ yếu ở Nam Bộ. Mặc dù chỉ giới hạn trong khoảng thời gian và không gian này, nhưng tác giả Nguyễn Đức Hiệp cũng đề cập đến không gian rộng hơn trên toàn Việt Nam khi có sự tương tác và ảnh hưởng của các hình thái nghệ thuật trên ở các miền trước khi đất nước thống nhất.
Nói thêm về thời hoàng kim của sân khấu kịch Tiến sĩ – Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp bày tỏ: “Các bộ môn nghệ thuật sân khấu hát bội (tuồng), cải lương và kịch hiện nay không còn phổ thông như các thời kỳ trước do thị hiếu của khán giả đã thay đổi qua sự phát triển của nhiều phương tiện truyền thông mới như các kênh trên Internet và sự toàn cầu hóa trong lãnh vực kinh tế, kỹ thuật, văn hóa. Văn hóa bản địa đã dần bị áp lực từ văn hóa bên ngoài nhập vào và không thể cạnh tranh được. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Trước đây thì sự xuất hiện của truyền hình, video, truyền hình cáp (cable television) và nay là các kênh cùng với mạng xã hội trên Internet phổ biến nhiều thể loại nghệ thuật ngay tại nhà mà không cần đến sân khấu để xem. Càng ngày con người trong xã hội ở mọi nơi có nhiều sự lựa chọn để cập nhâp thông tin và giải trí. Ngay cả các tờ báo giấy nổi tiếng ở các nước cũng gặp khó khăn và một số đã ngưng ra mà chỉ còn trên mạng.
Cho nên ngoại trừ điện ảnh, các bộ môn nghệ thuật sân khấu gặp khó khăn và có nguy cơ biến mất mà chỉ còn có trong ký ức hay sách vở là tự nhiên trong quá trình tiến hóa trong xã hội. Các hội đoàn hay nhóm cá nhân, câu lạc bộ của những người yêu thích và chuyên tâm của các môn nghệ thuật sân khấu này là hạt nhân để bảo tồn, nghiên cứu và phát huy chúng. Ngoài những tổ chức dân sự trên thì nhà nước, chính quyền địa phương cần kết hợp, ủng hộ và đầu tư hay trợ cấp những hoạt động của các hội đoàn về nghệ thuật sân khấu trong lãnh vực văn hóa hay trong các lễ hội.”