Tối 4/6, Mỹ Anh ra mắt ca khúc Nhìn những mùa thu đi trong một diện mạo mới mẻ, phù hợp với “gu” của đa số bạn trẻ hiện nay. Cô gái trẻ tự tin dùng cá tính âm nhạc của mình để thổi vào nhạc Trịnh một làn gió mới, khiến người nghe thích thú ngay từ lần đầu thưởng thức. Lấy cảm hứng từ 2 bộ phim Trịnh Công Sơn, Em và Trịnh, ca khúc được Universal Music Vietnam và ekip phim sản xuất,  phát hành trên tất cả các nền tảng nghe nhạc toàn cầu.

Nhạc Trịnh là một di sản văn hóa quý giá cần được giữ gìn, nhưng không phải người nghệ sĩ nào cũng dám thử sức với dòng nhạc đã đi sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ người Việt. Với sức trẻ và khao khát sáng tạo, đổi mới của một gen Z chính hiệu, Mỹ Anh đã dám đương đầu với thử thách này. Ca khúc Nhìn những mùa thu đi phiên bản của Mỹ Anh được ra mắt trong thời điểm công chúng đang dành sự quan tâm đặc biệt đến dự án điện ảnh Em và Trịnh – Trịnh Công Sơn, như một sự cộng hưởng tuyệt vời giữa những tâm hồn đồng điệu trong nghệ thuật.

 

Không chỉ dừng lại ở sản phẩm âm nhạc của Mỹ Anh, Universal Music Vietnam cũng thông qua Nhìn những mùa thu đi để “hé lộ” một dự án nhạc Trịnh lớn hơn. Thông tin chi tiết sẽ dần được tiết lộ trong thời điểm sắp tới, hứa hẹn làm thỏa lòng những khán giả đã trót yêu âm nhạc của Trịnh Công Sơn và cả những người nghe nhạc thuộc thế hệ Gen Z.

 

Nỗi buồn trong Nhìn những mùa thu đi

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết Nhìn những mùa thu đi từ năm 1963, khi ông còn là chàng sinh viên trẻ đa sầu đa cảm 24 tuổi. Ca khúc được nhạc sĩ chia thành 3 phần rõ rệt: phần đầu là tâm sự của cô gái, phần cuối tâm sự của chàng trai, phần điệp khúc ở giữa giống như lời người dẫn chuyện.

Dù viết cho mối tình tan vỡ, nhưng nỗi buồn nơi Nhìn những mùa thu đi tuy bi mà không lụy. Có nước mắt, có nuối tiếc, có đau thương nhưng trong mắt gã trai si tình, cảm xúc ấy vẫn đẹp và đáng được trân trọng.

Bài hát được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết dựa theo những cảm xúc thật với một cô gái Huế được cho là em của ca sĩ Hà Thanh. Cuộc tình đơn phương chỉ là những cảm xúc mong manh thoáng qua của chàng nhạc sĩ đa cảm: chưa bao giờ bắt đầu, nên dĩ nhiên là cũng không có kết thúc. Bạn bè thuở ấy vẫn hay chọc Trịnh Công Sơn và xem đó là mối tình đầu đời của anh.

Đến nay, bài hát đã được xướng lên không biết bao nhiêu lần, được thể hiện bởi không biết bao nhiêu thế hệ ca sĩ. Chất buồn man mác cùng với những suy tư, chiêm nghiệm về sự phai tàn của tình yêu, cuộc đời là yếu tố chính khiến cho bài hát trở nên bất hủ.

Nhìn rộng ra, bài hát như lát cắt dọc về tình yêu của Trịnh Công Sơn. Những nàng thơ đã đi qua cuộc đời ông, mang đến cho người nghệ sĩ những dấu vết thật đẹp, rồi lại rời bước như mùa thu vừa đi, để lại những u buồn, lẻ loi và cô độc.

Hát Nhìn những mùa thu đi, Mỹ Anh bộc bạch nỗi niềm của cô với ca khúc, cũng như với cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn: “Ngay từ lúc bé khi theo chân mẹ đi diễn, tôi đã được nghe nhạc Trịnh, nhớ không lầm đó là ca khúc Em Là Hoa Hồng Nhỏ, một bài thiếu nhi rất nổi tiếng. Bố mẹ tôi rất thích nghe nhạc Trịnh, âm nhạc của cố nhạc sĩ đi theo tôi xuyên suốt những buổi diễn của bố mẹ. Cho đến năm ngoái, khi được chú NS Trần Mạnh Tuấn mời tham dự một chương trình truyền hình trực tuyến, tôi đã có dịp lần đầu thể hiện nhạc Trịnh trước công chúng với ca khúc Hãy yêu nhau đi và Nối vòng tay lớn. Lời hát của NS Trịnh Công Sơn quả thực rất đẹp, truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều!”.

Mỹ Anh mang cảm xúc của genZ khi hát nhạc Trịnh

Nhìn những mùa thu đi thường được biết đến với bầu không khí buồn trữ tình qua giọng ca của những nữ nghệ sĩ thế hệ trước. Nhưng đến với bản phối của Mỹ Anh, đó lại là một nỗi buồn vẫn man mác, da diết, khắc khoải, nhưng cũng có gì đó bình thản, an nhiên hơn rất đỗi. Bài hát có nhịp 4/4 như phong cách vốn có của Mỹ Anh, thể hiện được sự mạnh bạo, đổi mới và sáng tạo của giới trẻ.

Đối với những khán giả trung thành với nhạc Trịnh bấy lâu, có lẽ phần thể hiện của Mỹ Anh sẽ thiếu đi chất từng trải. Nhưng đổi lại, cô gái 20 tuổi này có được sự tươi mới dạt dào của thế hệ gen Z. Bản phối được nhà sản xuất Huỳnh Quang Tuấn cùng cộng sự thực hiện theo phong cách Jazz Swing cổ điển, sang trọng nhưng có hơi hướng tối giản mọi thứ để phù hợp hơn với giới trẻ.

Và nhìn lại thời điểm sáng tác của bài hát, đó là năm 1963, khi ấy, người nhạc sĩ tài hoa chỉ mới 24 tuổi. Dù rằng đã có những chiêm nghiệm về cuộc đời, nhưng ẩn sâu bên trong, Trịnh Công Sơn vẫn có chút bồng bềnh của tuổi trẻ. Sự thể hiện của Mỹ Anh vừa khớp vào chút nhịp trẻ ấy.

Giám đốc âm nhạc Huỳnh Quang Tuấn nhận xét phần thể hiện của Mỹ Anh: “Nhìn những mùa thu đi với nhịp 4/4 phù hợp như phong cách vốn có của Mỹ Anh, thể hiện sự mạnh bạo của giới trẻ, đổi mới và sáng tạo.

Khi Mỹ Anh gửi bản demo cho tôi, bạn ấy đang bị cảm, May mắn là bản phối của tôi dựa trên giọng của bạn đang bị bệnh, cho nên cái flow bản phối đã kiềm chế giọng của bạn. Tôi không làm gì nhiều đối với giọng Mỹ Anh cả vì nền tảng của bạn đã rất tốt, vấn đề là làm sao để bạn dung hoà được để hát nhạc Trịnh thôi. Và khi nhận sản phẩm trên tay, chúng tôi hoàn toàn hài lòng và cũng không quá ngạc nhiên trước màn thể hiện của cô bé”.

Một người trẻ hát nhạc Trịnh, đó đã là thử thách. Một người trẻ vừa hát nhạc Trịnh vừa làm mới nó, có lẽ nên gọi đó là sự liều lĩnh. Việc khán giả nhận xét khắt khe hơn là điều khó tránh khỏi. Nhưng suy cho cùng, nghệ thuật là phát triển, sáng tạo, đổi mới. Và cô gái trẻ Mỹ Anh đã dám mạo hiểm để mở ra một khoảng không gian nhạc Trịnh mới, nơi người trẻ vẫn có thể gặp gỡ, thưởng thức những câu hát bất hủ cùng thời gian.

Với sản phẩm âm nhạc lần này, “ái nữ” nhà Mỹ Linh tiếp tục khẳng định rõ ràng hơn con đường nghệ thuật nghiêm túc. Vì là “con nhà nòi” nên cô càng phải nỗ lực để xứng đáng với sự kỳ vọng của bố mẹ dành cho. Chia sẻ khi nhiều người sợ sẽ bị so sánh với chính người mẹ Mỹ Linh khi hát một bản nhạc Trịnh, Mỹ Anh hài hước cho biết: “Những lời so sánh hay mà, vì bản nào cũng có chất riêng của bài đó thôi!”.

Trong Nhìn những mùa thu đi, vẫn là “chất” Mỹ Anh thường thấy, nhưng lại trầm lắng, nhẹ nhàng và lãng đãng hơn hẳn. Trong quá trình thu âm, dù bị cảm nhưng Mỹ Anh vẫn cố gắng hoàn thành bài hát một cách trọn vẹn nhất. Cô đã mang hơi thở hiện đại vào bài hát bất hủ mà vẫn giữ được cái hồn của bản gốc.

Để làm được điều này không dễ, nhất là khi khán giả đã có những “khuôn vàng thước ngọc” dành riêng cho nhạc Trịnh. Mỹ Anh đã không đi vào lối mòn của những người làm nhạc trước. Qua sự thể hiện của Mỹ Anh, bài hát đã trở thành chiếc cầu nối dài giữa quá khứ và hiện tại. Nơi thế hệ trẻ và thế hệ đi trước có cơ hội gặp nhau, để trò chuyện và hiểu được nhau trong âm nhạc.

Ở phiên bản mới, mùa thu phảng phất một nỗi buồn nhẹ nhàng, êm ả, nhưng vẫn chạm đến trái tim người nghe. Mỹ Anh đã thành công trong việc diễn tả tâm trạng bài hát, buồn nhưng không bi lụy, sầu nhưng không khổ. Một sự phá cách đầy tinh tế và văn minh. Chất cũ và mới không những không đối chọi nhau mà hòa hợp, tạo ra một phiên bản nhạc Trịnh mới mang theo hơi thở thời đại. Từ đó giúp thế hệ trẻ dễ tiếp cận hơn với ca khúc gốc, tạo hứng thú cho việc mở ra kho tàng nhạc Trịnh khổng lồ.

Gen Z Mỹ Anh “tài không đợi tuổi”

20 tuổi, Mỹ Anh đã làm được điều mà rất nhiều người không dám làm. Cô đi từng bước chắc chắn trên con đường đã chọn. Và khán giả thấy được hình ảnh một cô gái 10X tự do sáng tạo trên bầu trời âm nhạc không giới hạn.

Thời gian gần đây, cái tên Mỹ Anh được biết đến nhiều bởi tư duy âm nhạc tiến bộ, không thua các nghệ sĩ trẻ nước ngoài. Cô được xem là một trong những người “mở đường” âm nhạc của thế hệ gen Z. Không chỉ dừng lại ở thị trường Việt Nam, cái tên Mỹ Anh đã vươn đến thị trường quốc tế, khi là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất được hãng thu âm 88Rising mời sang Mỹ trình diễn tại lễ hội âm nhạc Head in the clouds 2021 ở sân vận động Rose Bowl (Los Angeles).

 

Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, nên từ bé Mỹ Anh đã tiếp xúc và chạy chơi trong thế giới của nghệ thuật. Những âm thanh, vần điệu đến với cô một cách tự nhiên và hun đúc vào “chất” Mỹ Anh. Từ đó tạo ra một nghệ sĩ trẻ với những tài năng và phong cách âm nhạc đặc trưng, không thể lẫn lộn. Tuy là con nhà nòi nhưng Mỹ Anh vẫn cực kì nghiêm túc và chỉn chu trên con đường âm nhạc.