Trang 1 |
Trang 2 |
Biên bản hòa giải không thành tại Tòa án huyện An Phú |
Tại Tòa ông Huỳnh Ngọc Hòa, nguyên đơn trình bày: “Năm 2007, tôi (Hòa) là hộ nghèo không có nhà ở và được UBND huyện An Phú xét duyệt phân phối nền nhà tuyến dân cư ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu (theo Quyết định số 75/QĐ.UBND ngày 16/1/2007 của UBND huyện An Phú về việc phê duyệt danh sách xét duyệt phân phối nền nhà tuyến dân cư ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu, huyện An Phú). Trong ngày 16/1/2007, tôi bốc thăm được nền nhà số 57 lô B29, loại nền nhà có khung tiền chế trả chậm cho Ngân Hàng chính sách huyện An Phú. Tôi đã trả tiền cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Phú đầy đủ, có “Phiếu giao dịch” của Ngân hàng. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, để có tiền mua nhà trả chậm, gia đình tôi phải đi làm công nhân tại tỉnh Đồng Nai, nên nền nhà số 57 lô B29 được gia đình tôi giữ nguyên hiện trạng, không xây cất gì thêm trên đất được cấp này.
Đến năm 2008, ông Nguyễn Văn Sách, ngụ cùng địa phương, khi Nhà nước san lấp mặt bằng, ông dời nguyên căn nhà nhỏ của ông lên nền đất của tôi. Trong khi đó ông Sách cũng bắt thăm được 1 nền số 38 lô D11 (nền tự cất nhà, chớ không được cấp nhà tiền chế). Ông Sách không chịu dời nhà về nền của ông đã bắt thăm được. Ông Sách cứ để cái nhà nhỏ bằng cây tạp trên đất tôi, chứ không đến ở. Tôi nhiều lần yêu cầu ông Sách dời nhà ra khỏi nền nhà của tôi, trả lại nền nhà cho tôi để sử dụng, nhưng ông Sách không chịu trả. Chắc ông Sách có ai đứng phía sau hậu thuẫn mà còn nói thách đố với tôi? Ông Sách nói: “Bây giờ ai có nhiều tiền người đó thắng công bằng pháp luật vì nữa”. Qúa uất lòng nên tôi có nhiều lần nộp đơn kiện khiếu nại đến UBND xã Phú Hữu yêu cầu vợ chồng ông Sách có trách nhiệm di dời nhà, trả lại nền nhà số 57 lô B29 cho gia đình tôi, nhưng gia đình ông Sách không chịu trả, dẫn tới việc hòa giải nhiều lần không thành. Đến năm 2015, tôi có đến UBND xã Phú Hữu gửi đơn yêu cầu giải quyết buộc ông Sách, bà Hậu trả lại nền nhà số 57 lô B29 cho tôi, nhưng vụ việc giải quyết không thành”.
Tại Tòa án, ông Nguyễn Văn Sách, bị đơn trình bày: “Năm 2005, được Nhà nước cấp cho nền nhà 29 lô B. Khi được cấp nền thì không có đi bốc thăm, cũng không có giấy quyết định cấp nền. Khi đoàn làm việc của UBND xã Phú Hữu kết hợp với UBND huyện An Phú đến nhà tôi làm việc, ông Mai Văn Bộ có hứa cho vợ chồng tôi nền nhà này. Ngày 9/8/2016, vợ chồng tôi nộp tiền trả nền nhà tôi được cấp, với số tiền 10.772.500 đồng. Đến ngày 26/10/2017, chi cục thuế huyện An Phú cấp cho vợ chồng tôi biên lai thu tiền, hiện nay vợ chồng tôi đã nộp đủ số tiền mua nền với giá 17.639.100 đồng”.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ kiện, thể hiện có nhiều điều mâu thuẫn, cần phải được Tòa án làm rõ:
Một, danh sách 240 hộ dân trong tuyến dân cư vượt lũ, tất cả đều có bề ngang 5m chiều dài 15m chỉ đóng tiền nền là 10.772.500 đồng. Tại sao ông Nguyễn Văn Sách lại đóng 17.639.000 đồng? Nhiều người thắc mắc sự chênh lệch số tiền này. Sao ông Sách nói là đóng tiền luôn vỉa hè để làm bằng khoán vỉa hè luôn? Và phải chăng ông Mai Văn Bộ lạm dụng chức quyền nên ông Bộ mới cho vợ chồng ông Sách đóng tiền nền với diện tích 126,9m2?
Hai, cần làm rõ có hay không việc hộ ông Nguyễn Hữu Sách đứng tên 2 nền đất: B-29 (thuộc diện hộ nghèo) và D-11 (thuộc diện hộ tái định cư)? Trong khi, được biết, ông Sách chỉ thuộc diện hộ tái định cư. Như vậy, nếu những thông tin này là đúng sự thật, thì ông Sách làm gì mà được có đến 2 suất đất như thế này? Hơn nữa ông Sách được nhận nền đất thuộc diện hộ nghèo, trong khi ông Sách thuộc hộ nhận nền đất tái định cư?
Cần làm rõ có hay không việc hộ ông Nguyễn Hữu Sách có đứng tên 2 nền đất: B-29 (thuộc diện hộ nghèo) và D-11 (thuộc diện hộ tái định cư)? |
Ba, Tòa án cũng cần phải làm rõ ông Nguyễn Văn Sách thuộc diện chính sách nào, mà năm 2005 được Nhà nước cấp cho nền nhà 29 lô B? Khi được cấp nền thì o6gn Sách không có đi bốc thăm, cũng không có giấy quyết định cấp nền? Trong khi, các hộ dân ở địa phương đều chấp hành chủ trương của Nhà nước ban hành là phải bốc thăm và phải có quyết định cấp nền.
Bốn, thực tế ông Huỳnh Ngọc Hòa có bốc thăm, đã được nhận nền nhà; và có đem nền nhà này đi thế chấp tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang. Vậy, nền đất (thuộc diện hộ nghèo) này của ông Hòa bây giờ ở đâu? Ai quản lí, sử dụng nếu không phải là ông Sách đang sử dụng có dấu hiệu bất hợp pháp? Tình tiết này, đang chờ một quyết định anh minh của Tòa án cấp sơ thẩm.
“Phiếu giao dịch” của ông Huỳnh Ngọc Hòa tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang lập ngày 7/9/2020 |
Rõ ràng, có dấu hiệu vợ chồng ông Sách, bà Hậu tự ý chiếm đất, xây nhà kiên cố trên đất của ông Huỳnh Ngọc Hòa. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của ông gia đình Hòa. Mặc dù, Quyết định số 75/QĐ.UBND ngày 16/1/2007 của UBND huyện An Phú có hiệu lực thi hành đã lâu. Ông Hòa cũng được cấp nền nhà đúng trình tự pháp luật. Thế nhưng đến nay gia đình ông Hòa chưa thể tiếp nhận nền nhà để sử dụng phần đất được Nhà nước cấp.
Ông Hòa bức xúc: “Gia đình ông Sách bất chấp pháp luật, chiếm đoạt phần đất nền nhà của tôi, thậm chí còn kêu thợ xây nhà trên phần đất nền nhà của tôi. Việc này đã làm cho gia đình tôi vô cùng bức xúc. Do đó ngày 7/9/2020, tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi UBND xã Phú Hữu để yêu cầu ông Sách, bà Hậu di dời nhà, trả lại diện tích đất đã chiếm đoạt của tôi. Tại buổi hòa giải ở UBND xã Phú Hữu gia đình ông Sách cho rằng phần đất tranh chấp đã được UBND huyện An Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Hữu Sách và bà Phạm Thị Hậu (Giấy chứng nhận quyền sử dụng dất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CH08158, với diện tích 126,9m2, thuộc thửa đất số 139, tờ bản đồ số 17 được UBND huyện An Phú cấp ngày 7/6/2019 mang tên ông Nguyễn Hữu Sách và bà Phạm Thị Hậu). Do đó vợ chồng ông Sách, bà Hậu không có nghĩa vụ phải di dời nhà, trả lại đất cho gia đình tôi. Việc tranh chấp được lập biên bản về việc hòa giải không thành (Thông báo số 69 ngày 7/9/2020 của UBND xã Phú Hữu về việc hòa giải tranh chấp đất đai không thành). Gia đình chúng tôi thì nghèo, không đất phải ở đậu nền nhà người khác nhiều năm qua, vô cùng khổ tâm, đến khi được nền nhà thì bị ông Sách chiếm đoạt mà còn nói tôi khi thua kiện phải trả cho vợ chồng ông Sách mỗi ngày 5 triệu đồng, số tiền 5 triệu đồng đối với vợ chồng tôi rất là lớn. Vậy nay, cho tôi xin hỏi quý cơ quan có thẩm quyền. Nếu như tôi thắng kiện thì vợ chồng ông Sách có tính ra 1 ngày 5 triệu đồng trả số tiền đó cho vợ chồng tôi hay không? Tại sao lúc xử không nói sau khi tôi thắng kiện, chỉ một chiều nói ông Sách thắng kiện, có công bằng chưa? Hiện nay, tôi được biết ngày 16/1/2007, khi đi bốc thăm nền nhà ông Sách, bà Hậu bốc thăm được nền nhà số 11, lô D, cùng được biết như tôi còn có 14 người, đó là những hộ dân tái định cư cùng tham gia bốc thăm với ông Sách (có danh sách đính kèm)”.
Theo hồ sơ, thể hiện: Ngoài việc ông Sách, bà Hậu có dấu hiệu chiếm đoạt nền nhà của ông Hòa, thì ông Sách còn có thêm một nền nhà nữa. Vậy nếu quả thực là ông Sách có hai nền nhà, là không đúng với quy định của pháp luật. Căn cứ vào Quyết định số 75/QĐ.UBND ngày 16/1/2007 của UBND huyện An Phú và Tờ trình số 41 ngày 18/12/2006 của UBND xã Phú Hữu về việc xin duyệt danh sách xét duyệt nền nhà, nhà ở tuyến dân cư Phú Hòa, xã Phú Hữu quy định mỗi hộ chỉ được 1 nền nhà trong tổng số 240 hộ được thuộc diện xét duyệt cấp nền nhà. Do đó, nếu ông Sách được quyền sở hữu 2 nền nhà, là nguồn cơn gây ra bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình chính sách (ông Hòa). Bởi theo ông Hòa, thì ông Hòa là hộ được xét duyệt, được cấp nền nhà số 57 lô B29, nhưng thực tế nền nhà này đang bị ông Sách chiếm giữ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Tờ trình số 41 ngày 18/12/2006 của UBND xã Phú Hữu “về việc xin duyệt danh sách xét duyệt nền nhà, nhà ở tuyến dân cư Phú Hòa, xã Phú Hữu”, quy định mỗi hộ chỉ được 1 nền nhà trong tổng số 240 hộ được thuộc diện xét duyệt cấp nền nhà |
Và ông Huỳnh Ngọc Hòa cho biết thêm: “Đến cuối năm 2019, qua thông tin của bà con xung quanh, tôi biết được gia đình bà Hậu nói ba đời Chủ tịch UBND xã Phú Hữu không người nào làm bằng khoán cho bà, chỉ khi ông Mai Văn Bộ lên làm Chủ tịch UBND xã Phú Hữu thì bà mới làm được bằng khoán này. Bà Hậu còn nói: Thử xem mấy người nhiều chuyện ở xóm này còn dám nói tao ở đậu đất của ông Hòa nữa hay không. Khi tôi nghe bà Hậu tuyên bố nền nhà của tôi bà đã có bằng khoán, tôi đến Ngân hàng Chính sách xã hội để xin giấy quyết định đã trả tiền xong. Tại đây tôi phát hiện ra: Khoản vay trả chậm của vợ chồng tôi vẫn là vay để trả tiền nền số 57 lô B29 và khung nhà trên nền đất đó. Tuy nhiên, cũng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Phú, tôi còn phát hiện được việc ông Phạm Phú Cường, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu có hành vi thể hiện dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn của vợ chồng tôi. Cụ thể là vay để trả chậm nền số 28 lô B; và ông cường có hành vi thể hiện dấu hiệu làm giả quyết định nền số 28 lô B cho vợ chồng tôi để bổ sung vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Phú. Trong khi, nền số 28 lô B là của ông Lê Văn Gia, không phải của vợ chồng tôi. Tôi yêu cầu được giải quyết trả lại nền nhà số 57 lô B29 cho tôi. Trong khi chờ đợi tôi thành thật biết ơn”.
Dư luận và người cao tuổi ở địa phương kiến nghị TAND huyện An Phú, tỉnh An Giang, giải quyết vụ án bằng việc xét xử khách quan, đúng pháp luật. Qua đó làm rõ: Có hay không, việc gia đình ông Hòa là hộ nghèo, được Nhà nước cấp cho nền nhà để ở, nhưng vợ chồng ông Sách, bà Hậu ngang nhiên chiếm đoạt và đang có hành vi thách thức pháp luật?