Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu cùng Quý độc giả tác phẩm “Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang” của tác giả Trần Minh Thương. Tác phẩm ghi lại nét văn hóa đặc trưng miền sông nước, đậm đà tình làng nghĩa xóm, lời ăn tiếng nói mộc mạc, thiệt lòng thiệt dạ của người dân nơi đây.
“Hậu giang hương sắc miền quê,
Nghĩa tình son sắt, trọn bề thuỷ chung”.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất mới Hậu giang, Trần Minh Thương được nghe và chứng kiến nhiều cách thức ứng xử độc đáo của bà con miền quê. Hàng ngày, người ta xưng, hô, kêu/ gọi nhau để giao tiếp, trò chuyện, tâm tình, lúc lại gọi để cho nhau chén canh, tô cháo; thiếu hụt thì chạy tìm vay mượn hàng xóm; đồ dùng không hết thì đem bán cho người cần mua,… Những nhu cầu tất yếu đó như hơi thở, miếng ăn, giấc ngủ,… của con người. Nó liên tục diễn ra và góp phần hình thành nên nét văn hóa ứng xử trong dân gian.
Tác giả ví von với nhiều câu chuyện kể rất cụ thể, tự nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày của bà con miền quê. Muôn kiểu thể hiện với chuyện nhắn, gởi: từ nhắn lời, gởi nhà cửa đến gởi con, gởi cháu; chuyện hùn hạp nhau để làm ăn khi có lợi thì chia chác như hùn nhau nuôi lợn, hùn nấu bánh tét, hùn ăn hùn uống, hùn công đi làm mướn; Hay chuyện rủ mời nhau cũng rất phổ biến trong đời sống miền sông nước: rủ nhau làm đồng, rủ nhau sinh hoạt mua bán vui chơi, mời khách đến nhà, đám tiệc hay giỗ quải… Có một chi tiết khá thú vị khi nghe từ “quá giang” tức là xin đi cùng, theo âm từ Hán Việt có nghĩa là qua sông mà bà con cô bác hay dùng. Muốn xin “quá giang” để đến nơi cần đến, mà ngày nay được hiểu theo nghĩa rộng hơn và cũng chẳng cần liên quan đến sông nước. Người Hậu giang vốn tính cách cởi mở, trọng tình xã giao, tương thân tương ái, cùng chia sớt, san sẻ cả ngọt bùi lẫn cay đắng trong cuộc sống.
Miệt Hậu giang còn sở hữu có một nét đặc trưng vô cùng hấp dẫn mang tên chợ nổi. Đời sống buôn bán trên ghe xuồng ở chợ nổi tấp nập rộn ràng, có phương thức quảng cáo rao hàng độc đáo bằng cách bẹo (hàng hóa hay đồ ăn thức uống được trưng ra để tạo sự hấp dẫn, bày biện trên mui ghe, treo tòn ten trên cây sào) với nguyên tắc là bán gì bẹo nấy và có lúc cũng mang tính tượng trưng. Ở đâu đó miền Tây vang vọng lời rao ngọt như mía lùi “Ai ăn xôi, bắp nấu hôn!”, “Ai ăn chè bột khoai, bún tàu đậu xanh nước dừa, đường cát hôn”. Chính những lời rao này đã gợi nguồn cảm hứng cho soạn giả Thu An viết bài tân cổ “Gánh chè khuya” qua tiếng hát của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn và Út Bạch Lan đã sống mãi trong lòng những ai yêu thích cổ nhạc ở miền Tây sông nước.
Tác giả có dịp được nghe các bậc cao niên kể lại những gì mà cha ông đã đem ra đối đãi nhau trong tình thân tộc, nghĩa xóm làng. Chuyện trong nhà ngoài xóm ở đây có những nét tương đồng với miền quê khác, nhất là vùng Tây Nam Bộ. Để mỗi khi chúng ta được nghe câu nói quen thuộc “bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau” sẽ cảm thấy ấm lòng và mát dạ biết bao.
Vào 14 giờ 30 phút Thứ Ba ngày 22/11/2022, trong khuôn khổ tuần lễ Khánh thành đường Sách Cao Lãnh, Ủy ban nhân dân Thành phố Cao Lãnh cùng Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty CP Ngôi Sao Biển trung tâm Sài Gòn cùng phối hợp tổ chức buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm “Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang” của tác giả Trần Minh Thương tại Sân khấu chính – Đường Sách Thành phố Cao Lãnh (Công viên Văn Miếu, số 23 Lý Thường Kiệt, P.1, TP. Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp). Rất mong nhận được sự tham dự và hỗ trợ thông tin của Quý Phóng viên Báo, Đài.
Thông tin tác giả:
Trần Minh Thương
Bút danh: Thạch Ba Xuyên
Tổ trưởng Tổ Văn – Tiếng Anh, trường THPT Ngã Năm (Sóc Trăng)
Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (2009)
Những tác phẩm đã xuất bản: Chuyện ăn uống của người bình dân Sóc Trăng, nhìn từ góc độ văn hóa dân gian (2015); Trò chơi dân gian Sóc Trăng (2016); Hương sắc miền Tây (2018); Ăn Tết chơi Tết miền Tây (2020); Phong tục miệt Nam sông Hậu (2020).
Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
Một số câu hỏi phỏng vấn tác giả Trần Minh Thương:
Thưa tác giả Trần Minh Thương, tôi nhận thấy trong tên sách có một điểm khá đặc biệt, khi viết tên một địa danh hành chính, ví dụ như ở đây là tỉnh Hậu Giang sẽ viết hoa cả hai chữ, tuy nhiên, tựa sách lại chỉ viết hoa chữ “Hậu” còn chữ “giang” thì viết thường, không biết đây có phải là một sự sắp xếp có chủ đích của tác giả không?
Xin được cám ơn câu hỏi rất thú vị này. Thực ra, trong giữa tiếng Việt trong các Từ điển của các nhà ngôn ngữ và lời ăn tiếng nói hàng ngày của người bình dân có nhiều nét tương đồng những cũng có những chỗ, những điểm dân gian nói theo thói quen của mình. Trở lại vấn đề, chữ Hậu Giang nếu viết hoa của hai thì nó sẽ gắn liền vưới địa danh hành chính tỉnh Hậu Giang (Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 3 năm 1976, tỉnh Hậu Giang (cũ) được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau trước đó là tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ. Ngày 26 tháng 12 năm 1991, tỉnh Hậu Giang được chia thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Ngày 26 tháng 11 năm 2003, tỉnh Cần Thơ lại được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang ngày nay). Trước đó, Hậu giang là tên gọi của sông Hậu (giang: sông). Dùng chữ giang không viết hoa, chúng tôi muốn hướng đến không gian văn hóa nằm hai bên bờ sông Hậu. Vùng đất ấy thuộc địa giới hành chính của các tỉnh một phần tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, … Tóm lại, chúng tôi sử dụng chữ Hậu giang không viết hoa chữ giang để chỉ sông Hậu và hướng đến một không gian văn hóa vùng hơn là một địa danh hành chính. Tất nhiên trong Hậu giang có Hậu Giang. Tỉnh Hậu Giang là một phần không thể thiếu của vùng đất quanh sông Hậu.
Được biết trước đây, tác giả cũng đã có quyển Phong tục miệt Hậu Giang do NXB Tổng hợp xuất bản năm 2020. Xin tác giả nói rõ thêm vì sao mình thường dùng khái niệm “miệt”! Đồng thời, tác giả có thể nói thêm những công trình mình đã xuất bản về vùng đất con người ở “miệt” này!
Theo Đại Nam quấc âm tự vị của tác giả Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895) thì Miệt có nghĩa là xứ miền, một dãy đất.
Nhà văn, học giả Sơn Nam (1926-2008), một người được mệnh danh là Ông già Nam bộ, đã viết về vùng đồng bằng sông Cửu Long như sau:
Người ở đồng bằng sông Cửu Long đã phân tích khá tỉ mỉ những nét đặc biệt của từng vùng nhỏ trong đồng bằng. Họ gọi một cách phân biệt:
– Miệt trên: vùng Biên Hòa, Gia Định, Bà Rịa có thể tính luôn vùng Tân An.
– Miệt Cao Lãnh: vùng chợ Cao Lãnh ngày nay, trước kia là quận lỵ của Sa Đéc.
– Miệt Đồng Tháp Mười.
– Miệt Dưới: vùng Rạch Giá, Cà Mau.
– Miệt Vườn, gọi tổng quát những vùng cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ.
Tiếp theo ý của các học giả đi trước, kết hợp với lời ăn tiếng nói dân gian chúng tôi được nghe trong các chuyến đi điền dã, chúng tôi dùng miệt Hậu giang hay miệt Nam sông Hậu để chỉ dãy đất quanh vùng châu thổ sông Hậu. Ở đây, chúng tôi định danh dưới góc độ không gian văn hóa.
Và cũng xin nói thêm, theo tầm bao quát tài liệu có lẽ chưa đầy đủ của tôi, kết hợp thêm ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi, cuốn Phong tục miệt Nam sông Hậu và nay là cuốn Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang là những sách chữ MIỆT được xuất hiện chính thức trong nhan đề những cuốn sách. Xin chia sẻ với độc giả xa gần điều này ạ!
Anh có thể chia sẻ thêm với các độc giả về những chuyện trong nhà ngoài xóm mà anh thấy là đặc sắc, là riêng biệt mà không nơi nào khác có được tại vùng đất miệt Hậu giang?
Có thể nói rằng đây là câu hỏi khó mà MC đã dành cho tôi. Khó bởi vì vừa khó trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi, mà nói vòng vo thì cũng khó lòng thấu đáo được.
Thôi thì, biết tới đâu xin được chia sẻ tới đó.
Như tôi đã nói, cái khó đầu tiên ở câu hỏi này là chỉ ra nét riêng biết của những nét ứng xử cụ thể hơn là những biểu hiện của chuyện xin cho, nhắn gởi, hùn hạp, chia chác, mượn trả, … ở miệt Hậu giang có gì đặc sắc, riêng biệt với những nơi khác làm cho tôi lúng túng bởi tôi chưa có dịp tìm hiểu tường tận những nét văn hóa này ở các vùng miền khác, nên khó đối sánh được;
Cái khó thứ hai, chúng tôi cho rằng đó cũng là nét đặc trưng tiêu biểu của văn hóa dân gian. Đặc trưng đó là tính giao thoa ở biên độ rộng. Giao thoa vùng miền, giao thoa giữa các dân tộc và giao trong cách thức biểu hiện. Nguyên nhân là do tính cách cỡi mở dễ dung nạp, dễ hòa nhập của cư dân miền đât mới tạo nên. Chính sự giao thoa này đã làm cho những biểu hiện đặc trưng, riêng biệt, nhất là trong ứng xử bị xóa nhòa ranh giới.
Dù sao, chúng tôi cũng cảm thấy việc xưng kêu nhau trong gia đình ở miệt Hậu giang, hay chuyện nói xin mà đòi, mà mua, nó mượn mà vay, nói nhắn mà … chưởi khéo là rất độc đáo và thú vị.
Để viết nên cuốn sách Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang, anh đã phải đi rất nhiều nơi, trải qua nhiều tỉnh thành của miền Tây sông nước, vậy trong quá trình thu thập tư liệu để viết sách, anh có gặp một kỷ niệm hay một câu chuyện nào mà mình nhớ mãi không?
Kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi là trong lần đi điền dã vào một xóm ở thôn quê, đường đi chỉ có lộ đất. Trời trưa, nắng gắt đi hoài, khát nước mà nước uống đem theo đã hết. Đành ghé nhà dân xin nước uống. Thấy căn nhà lá đơn sơ, phía trước có kiệu nước. Bên ngoài nhìn vào thấy yên ắng. Dừng xe lại, rồi cất tiếng hỏi xin nước. Lúc đó mới thấy, phía nhà sau có một mâm 3-4 anh đang nhậu. Nghe tiếng xe, tiếng người, chủ nhà bước ra. Vui vẻ chỉ kiệu nước và kêu ra đó múc uống. Xong xuôi, quay lại, định cám ơn ra về thì anh chủ nhà hỏi: đi đâu, làm gì, ở đây mà coi không phải dân ở đây. Trả lời chưa dứt, chủ nhà liền hào phóng rủ ở lại, uống ly rượu rồi mới cho đi. Từ chối cũng khó, nên mình đành ngồi xuống cùng mấy anh em đang cao trào. Thế là bị bửa ngay câu vào ba ra bảy. Uống liền ba ly rượu đế mà ly nào cũng không được kê tán (không được chừa một ít dưới đáy ly). Mặt mày đỏ tươi, trời đất quay tròn. Đành phải xin phép ra võng nằm. Đến khi tỉnh dậy, mâm nhậu tan lúc nào, chén đũa còn nguyên đó. Trời đã xế bóng, bước ra sân, nghe một chị (có lẽ là vợ anh chủ nhà) nói: Thấy em ngủ ngon quá, nên tui để cho ngủ, mấy cha nhậu xỉn, ai về nhà nấy từ hồi nãy! Chị chủ nhà còn hỏi: Có đói không dọn cơm cho ăn, ngặt không có đồ ăn nghen, vì mấy cha nội lấy làm mồi nhậu hết rồi! Mình cám ơn và xin phép ra về.
Ở đây, có mấy biểu hiện: xin (xin nước), cho (cho nước), rủ (rủ nhậu), … Nó đã khơi nguồn và tiếp thêm những biểu hiện trong những bài viết của mình.
Nếu được bổ sung thêm ở những lần sau, tác giả còn thấy cần phải chia sẻ với độc giả những nội dung nào khác?
Quan niệm của chúng tôi là không có một tác phẩm nào là tuyệt đối hoàn hảo mà chỉ có tác phẩm tốt nhất tính tới thời điểm đó. Dần theo thời gian, trải qua thêm quá trình tích lũy vốn sống, ngay bản thân tác giả và độc giả sẽ nhận ra trong những điều đã được sách nói đến cần phải cập nhật, bổ sung hay cả những chỉnh sửa, thậm chí là bớt chỗ này, thêm chỗ kia, … Cuốn Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang cũng vậy, tính đến thời điểm này được coi là tốt nhất trong khả năng tôi có thể làm được cùng với sự hỗ trợ của BTV NXB Tổng hợp (nhân đây cũng xin được nói lời chân thành cám ơn anh Cao Bá Định). Nếu được bổ sung lần sau, có thể chúng tôi sẽ có thêm những biểu hiện khác nữa trong ứng xử của bà con như chuyện thăm hỏi, chuyện ăn chơi, chuyện giận hờn, ghen tuông, … Nói chung là sẽ còn nhiều thứ khác nhưng tới giờ thì tôi chưa nghĩ ra được hết! Thôi đành xin hẹn lại trong một tương lai không xa vậy!