Hồn Đô Thị gồm 30 bài tùy bút được tuyển chọn từ bộ sách Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập) đã được xuất bản trong khoảng thời gian từ 2014 – 2018. Mỗi tập trong bộ sách thường có vài bài tùy bút – xen kẽ các bài khác mang tính sưu khảo – được nhiều độc giả đặc biệt yêu thích. Bộ sách đến nay đã được tái bản 5 lần.
Trong những bài tùy bút của Hồn Đô Thị, tinh thần Sài Gòn xưa hiện lên rõ nét qua những câu chuyện như: chuyện cũ về hẻm Tô Châu, chuyện trong hẻm nhỏ gần chợ Thiếc ở Chợ Lớn, chuyện hồi tưởng của một cụ già tám mươi tuổi về chuyến dạo chơi lý thú đi thăm Sài Gòn vào thập niên 1940, chuyện về người vợ Triều Châu hiền hậu bao dung của một tay trống nổi tiếng.
Nhắc đến Sài Gòn, dù là xưa hay nay, đều không thể thiếu gánh hàng vỉa hè như một nét văn hóa đặc trưng. Còn Phạm Công Luận thì lại nhớ câu chuyện “ông già áo đen” và tiếng kéo lắt xắt bên món gỏi khô bò khu nước mía Viễn Đông, hay tiếng rao của người bán vịt lộn ở khu Đề Thám mà tác giả thường nghe thành: “Ai… vật lộn không?”.
Chính vì những lẽ đó, Hồn Đô Thị tuy là kí ức riêng của tác giả nhưng lại bắt được dòng hơi thở chung của đời sống đô thị Sài Gòn xưa.
Những trang tùy bút giàu cảm xúc, đầy ắp tư liệu
Với giọng văn trầm tĩnh, giàu cảm xúc và tư liệu đầy đặn, 30 câu chuyện kể như những thước phim ngắn được bật lên, lần lượt đưa người đọc tìm về những hồn cốt Sài Gòn đã từng hiện diện, ẩn tàng trong tính cách của người Sài Gòn và trong những góc khuất của đời sống.
Tùy bút vốn là thể loại để người viết có thể tự do tung hứng theo cảm xúc. Nhưng ở Hồn Đô Thị, Phạm Công Luận đã viết không chỉ dựa vào cảm xúc đơn thuần mà còn có sự nghiên cứu, phóng chiếu với những tư liệu thực tế đúng như thao tác thường thấy ở nhà báo chuyên nghiệp.
Chẳng hạn, trong bài viết Tìm lại giấc mơ kể về người chủ nhà tìm cách xây lại ngôi nhà theo phong cách Sài Gòn xưa, Phạm Công Luận không chỉ dừng lại ở việc kể chuyện chung chung mà còn thuật tường tận chi tiết về đồ nội thất, gạch bông, quá trình hình thành căn nhà từ lúc phôi thai đến khi hoàn tất. Người đọc vừa được chìm vào cảm xúc của tác giả, vừa biết thêm những thông tin hữu ích.
Đôi khi trong dòng kí ức về Sài Gòn xưa, tác giả cũng thể hiện những bâng khuâng về Sài Gòn nay, đặt ra vấn đề từ góc nhìn báo chí để người đọc cùng suy ngẫm. Ở bài Tìm trong góc xóm, sau khi miêu tả lại góc xóm ngày xưa thế nào với những hoài nhớ cá nhân; ngay lập tức, Phạm Công Luận suy tư về tình trạng đô thị hóa dần lấn sang cả những vùng ven thành phố, là nguyên nhân khiến cho hồn cốt của những vùng này cũng mất đi.
Bộ sưu tập công phu về đời sống Sài Gòn
Phạm Công Luận khảo sát về Sài Gòn xưa ở đủ mọi khía cạnh: lịch sử, văn hóa, tâm lý, lối sống, âm nhạc, kinh doanh… Qua đó, những giá trị Sài Gòn đã từng tồn tại, nay trở về trong ký ức và niềm thương cảm về thân phận một thành phố mà mỗi người, mỗi thế hệ người dân đã gắn bó bằng những cách khác nhau.
Trong Hồn Đô Thị, tác giả còn cung cấp những thông tin thú vị mà nhiều khi chính người Sài Gòn chưa hẳn đã biết: Hàng Xanh thực ra là cách viết sai từ Hàng Sanh; trước khi trở thành phố Tây, khu Đề Thám xưa dày đặc tòa soạn báo tư nhân; những tên gọi cũ của đường phố Sài Gòn; những tiếng rao hàng đậm đà trong ký ức tuổi nhỏ của nhiều lớp người…
Bên cạnh đó, cuốn sách còn có phần minh họa của họa sĩ Kim Duẩn theo đúng phong cách hoài cổ về Sài Gòn xưa cho từng bài viết. Kim Duẩn chăm chút cho từng chi tiết nhỏ trong tranh như gạch bông, kiểu tóc của thiếu nữ Sài Gòn xưa, tà áo dài, những biển hiệu với các kiểu chữ đặc trưng của hòn ngọc Viễn Đông một thời…
Với lời văn giàu cảm xúc của Phạm Công Luận, cùng phần minh họa trau chuốt về mặt mỹ thuật của Kim Duẩn, Hồn Đô Thị thực sự là món quà quý để người đọc tìm về di sản văn hóa của Sài Gòn, để hòa điệu, tri ân những độc giả luôn nặng lòng với thành phố này.
Trích đoạn
Với nhiều người Việt, đậm đà trong ký ức tuổi nhỏ êm đềm chính là những tiếng rao, những âm thanh trên đường phố, đặc sắc và đa dạng, kỳ lạ và đầy dấu ấn. Nó lẩn khuất trong ngăn kéo ký ức, hiếm khi nghĩ tới nhưng bỗng nở bung ra, lao xao trong niềm nhớ khi ta động chạm đến.
(trích Tiếng rao trên đường phố Sài Gòn năm 1943)
Sài Gòn thay đổi nhanh đến nỗi không kịp giữ lại những sắc màu làm nên chính nó. Đã phảng phất một góc Singapore ở Phú Mỹ Hưng, một góc Paris ở đâu đó quận Nhứt hay một khu thương mại sáng choang không kém Âu Mỹ. Giới trẻ nao nức về chúng, nhưng sau khi ra nước ngoài vài chuyến, sau khi ngụp lặn trong các khu thương mại lớn, họ tìm thấy gì ở Sài Gòn để mà nhớ nhung?
(trích Hồn đô thị)
Tìm tòi, lục lọi, giữ gìn ký ức, hình ảnh của Sài Gòn một thời đã qua, trăm năm trước hay mới chỉ vài chục năm trước, soi rọi mình trên dòng sông thời gian, từ đó tìm ra được những giá trị tinh thần, đạo đức của người Sài Gòn – Gia Định một thời là việc cần làm và nên làm. Tìm thấy để tự hào về một nơi từng đáng sống, đã từng sống đàng hoàng, có tình có nghĩa. Từ niềm tự hào đó, chúng ta gắng sống đàng hoàng cho hôm nay và mai sau.
(trích Giữ tinh thần “dấn thân yêu đời” của người Sài Gòn)
Về tác giả
Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu lượng tác phẩm dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm…
Thông tin tác phẩm:
- Tựa chính: Hồn đô thị
- Tác giả: Phạm Công Luận
- Thể loại: Tùy bút
- Giá bìa: 279.000đ
- Sách do Phương Nam Book và NXB Thế giới liên kết xuất bản