“FAKE NEWS VÀ CHỐNG FAKE NEWS – VÌ SAO CÁI GIẢ LẠI HẤP DẪN HƠN CÁI THẬT?”

Tác giả: Đỗ Đình Tấn 

Cuốn sách này đề cập đến cuộc chiến chống tin giả/fake news trên khắp thế giới với nhiều giải pháp được nêu ra, từ những tư liệu cập nhật và những tham luận của các nhà nghiên cứu được trình bày tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Canada vào năm 2018. Khái niệm “fake news” thật sự được phổ biến rộng rãi từ năm 2016 khi ông Donald Trump tranh cử tổng thống, làm nên một chiến thắng khó tin trong lịch sử nước Mỹ. Người ta bảo rằng, fake news đã “tạo” ra một tổng thống như thế. Kể từ đó, “You are fake news” luôn được cựu Tổng thống Donald Trump nhắc đến như một câu cửa miệng khi có những tin tức bất lợi về ông.

Trong thời đại 4.0 hiện nay, cổng thông tin điện tử hàng ngày luôn có hằng hà sa số tin thật lẫn tin giả, làm sao để người dùng mạng xử lý thông tin một cách thông minh? Cuốn sách này sẽ mang lại cho bạn những kiến thức và cách phân biệt fake news. Fake news là một thông tin hoàn toàn giả hoặc bịa đặt, phóng đại hay bóp méo, xuyên tạc đến mức không còn là thật, xuất hiện dưới dạng tin tức báo chí, lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội qua việc chia sẻ, để đánh lừa công chúng nhằm đạt được một mục đích (chính trị, ý thức hệ, kinh tế, lợi ích…) nào đó.

 

 

Cuốn sách đã thử lý giải nhiều câu hỏi liên quan đến fake news như: Vì sao cái giả lại hấp dẫn hơn cái thật? Vì sao cái giả dễ được tin là thật? Vì sao cái giả lại gây hậu quả và tác hại thật? Sách gồm các chương:

– FAKE NEWS, SỰ LÂY LAN VÀ MỤC ĐÍCH ĐƯỢC TẠO RA: nhận diện fake news và trả lời các câu hỏi: Fake news là gì? Một hiện tượng “rượu mới bình cũ” hay là một thực tế hoàn toàn mới được sinh ra cùng với các mạng xã hội? Fake news lây lan như thế nào, được dẫn dắt bởi những động cơ nào và được tạo ra nhằm mục đích gì?…

– TIN GIẢ, THÁCH THỨC VÀ KHỦNG HOẢNG BÁO CHÍ: nhận diện những thách thức và những nguy cơ mới mà tin giả đặt ra: Xóa nhòa ranh giới giữa chung và riêng? Sự thật trở thành thứ yếu? Trong bối cảnh của những nguy cơ mới này, truyền thông truyền thống (báo chí) lại rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Biểu hiện của cuộc khủng hoảng này là gì? Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đối với thông tin ra sao?…

– BÁO CHÍ TỰ CỨU MÌNH VÀ CHỐNG TIN GIẢ: mô tả cuộc chiến “kép” của truyền thông truyền thống. Một là, thoát khỏi khủng hoảng tài chính bằng cách nào? Hai là, chống tin giả ra sao? 

– PHÁP LUẬT, CÁCH TIẾP CẬN VÀ CHỌN LỰA KHÁC: đề cập đến luật pháp như “cây gậy” để răn đe những ai tạo ra tin giả.

– XÓA MÙ, KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG SỐ CHO CÔNG DÂN: chương này tiến hành khảo sát giải pháp dựa trên các công dân để đấu tranh chống tin giả: “Xóa mù truyền thông” (hay xóa mù tin tức)…

Đôi nét về Tác giả ĐỖ ĐÌNH TẤN:

Làm việc tại báo Tuổi Trẻ từ 1986 đến 2013:

+ Phóng viên Ban chính trị – xã hội

+ Tổ trưởng Tổ quốc tế

+ Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ Chủ nhật (Tuổi Trẻ cuối tuần)

+ Phó Tổng thư ký tòa soạn báo hàng ngày, kiêm Trưởng ban Quốc tế báo Tuổi Trẻ

Những tác phẩm đã xuất bản: Một nền báo chí phẳng (2014), Báo chí lương tâm (2016), Báo chí và mạng xã hội (2017), Truyền thông và Kinh doanh (2019)

Những tác phẩm dịch: Nước Nhật mua cả thế giới, Chiến tranh vùng Vịnh, Bí kíp dạy con từ 0 – 16 tuổi (ba cuốn), Scarlett (Hậu Cuốn theo chiều gió)…

Vào 8 giờ 30 sáng thứ Bảy 18-6-2022 tại Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh (lầu 5, số 255 Trần Hưng Đạo, Quận 1), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Báo chí Thành phố sẽ tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm này và giao lưu cùng tác giả – nhà báo Đỗ Đình Tấn, nhà báo Phạm Thục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.