Khỉ Đột Vô Hình Và Cú Lừa Của Trực Giác – tác phẩm về một thí nghiệm tâm lý gây chấn động

Tác phẩm được viết bởi hai nhà tâm lý học đoạt giải Ig Nobel 2004

Hai nhà tâm lý học Christopher Chabris và Daniel Simons gặp nhau tại Viện Đại học Harvard vào năm 1997 và bắt đầu trở thành cộng sự trong lĩnh vực nghiên cứu. 

Christopher Chabris là một giáo sư tâm lí học và cũng là giám đốc điều hành của một chương trình về khoa học thần kinh tại Đại học Union ở Schenectady, New York (Mỹ). Daniel Simons là nhà tâm lý học thực nghiệm, nhà khoa học nhận thức, và là giáo sư Khoa Tâm lý học ở Viện Beckman về Phát triển khoa học và công nghệ tại Đại học Illinois (Mỹ).

Năm 2004, họ cùng thắng giải Ig Nobel tâm lý học – một giải thưởng nhại lại giải Nobel được trao cho “những thành tựu ban đầu làm người ta phì cười, nhưng sau đó lại khiến họ suy nghĩ”. Khỉ Đột Vô Hình Và Cú Lừa Của Trực Giác được lấy cảm hứng từ đây.

Hiện tượng “nhìn mà không thấy” trong thí nghiệm “khỉ đột vô hình”

Mọi chuyện bắt đầu từ một thí nghiệm kinh điển của Chabris và Simons. Hai nhà tâm lý học nhờ các tình nguyện viên trường Harvard xem đoạn phim ngắn về trận bóng giữa hai đội mặc áo đen và trắng, yêu cầu họ đếm số lần chuyền bóng của hai đội. Sau khi hết video, các đối tượng tham gia thí nghiệm nêu ra con số mà mình đếm được. 

Nhưng nhiệm vụ đếm số lần chuyền bóng chỉ là cái cớ để giữ cho những tình nguyện viên phân tâm khỏi sự kiện chính trong đoạn video. Giữa lúc trận bóng diễn ra, một người mặc bộ đồ hóa trang khỉ đột lặng lẽ đi vào hiện trường, nhìn về phía camera, lấy tay đấm lên ngực rồi bước ra. Cảnh này diễn ra trong vòng 9 giây. 

Kết quả thật đáng ngạc nhiên: khoảng phân nửa đối tượng tham gia thí nghiệm, vì quá chú tâm đến nhiệm vụ của mình, đã không chú ý tới chú khỉ đột!

Thí nghiệm này là xuất phát điểm để Christopher Chabris và Daniel Simons phát triển công trình nghiên cứu gây tiếng vang của mình. Khoa học gọi đây là hiện tượng “mù vô ý” (inattentional blindness) có thể xảy ra hằng ngày trong mọi khía cạnh của đời sống, nhưng những điều trên mới chỉ là bề nổi của tảng băng trôi.

Chúng ta không biết nhiều về thế giới như ta vẫn nghĩ

Từ một thí nghiệm về tình trạng mù vô ý, Christopher Chabris và Daniel Simons đã dẫn chứng hàng loạt câu chuyện có thật nhằm chứng minh rằng nhận thức con người đầy rẫy những lỗ hổng.

Khi tham gia giao thông, bạn hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng mù vô ý và không thể tránh kịp chiếc xe đang ở phía trước, dù nó nằm ngay trong tầm nhìn của bạn.

Cuốn sách đưa ra những trường hợp chứng tỏ con người thường vô ý bỏ qua những gì ở ngay trước mắt khi quá tập trung vào một việc cụ thể, dẫn tới hậu quả khôn lường: như một cảnh sát chạy ngang qua hiện trường một vụ hành hung nhưng không nhận ra, một vị hạm trưởng tàu ngầm không thấy chiếc ngư thuyền trong tầm mắt, một tài xế không chú ý tới người chạy xe máy, một phi công không thấy chướng ngại vật trên đường băng… 

Không dừng lại ở những gì tai nghe mắt thấy, Chabris và Simons đi sâu vào phân tích nhiều cái bẫy ảo tưởng tinh vi hơn, chẳng hạn ảo tưởng về ký ức, ảo tưởng về kiến thức hay ảo tưởng về sự tự tin. Bộ đôi nhà tâm lý học chỉ ra rằng, bộ nhớ của chúng ta thường cố tình bóp méo những ký ức về sự kiện trong quá khứ, rằng một chuyên gia vẫn có thể mắc sai lầm… Tất cả đều xuất phát từ niềm tin mù quáng vào kinh nghiệm và nhận thức của bản thân.

Những ảo tưởng sai lầm có thể khiến chúng ta bị “dắt mũi” 

Có nhiều doanh nghiệp đã tạo ra hàng triệu USD nhờ tận dụng những ảo tưởng phổ biến của con người. 

Một trong số đó là việc quảng cáo loại headset đeo tai để nghe điện thoại trong lúc lái xe.  Luật giao thông cấm tài xế sử dụng điện thoại di động cầm tay khi đang chạy xe trên đường, nhưng không cấm tài xế đeo headset. Tờ quảng cáo của công ty AT&T Wireless đã tuyên bố: “Nếu sử dụng điện thoại không dây trong khi lái xe, bạn có thể giữ cả hai bàn tay trên tay lái”.

Chabris và Simons cho rằng không có nhiều khác biệt giữa khả năng gây phân tâm của điện thoại cầm tay và điện thoại rảnh tay, vì bản chất việc nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe đòi hỏi khả năng đa nhiệm của người sử dụng. Càng chú tâm vào cuộc nói chuyện, tài xế sẽ càng xao lãng những gì diễn ra trước mắt, dễ dẫn đến tình trạng mù vô ý, thế nên quảng cáo headset đeo tai an toàn hơn điện thoại cầm tay là hoàn toàn sai lầm và lợi dụng niềm tin của người dùng. 

Bằng cách nhận ra khi nào và tại sao các ảo tưởng này lại ảnh hưởng tới mình, hậu quả mà chúng gây ra cho những vấn đề của con người, Chabris và Simons tin rằng Khỉ Đột Vô Hình Và Cú Lừa Của Trực Giác sẽ giúp người đọc có cái nhìn thấu đáo hơn về cách tâm trí hoạt động, vượt qua hoặc giảm thiểu tác động của những ảo tưởng ở mức tối đa, từ đó sống và đưa ra quyết định một cách sáng suốt hơn. 

Trích đoạn

“Mỗi khi nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe, và tin rằng mình vẫn đang chú ý đủ trên đường, chúng ta bị ảnh hưởng bởi một trong những ảo tưởng này. Mỗi khi giả định rằng người nhớ sai quá khứ của họ thì chắc là đang dối trá, chúng ta đầu hàng một ảo tưởng. Mỗi lúc chọn vị lãnh đạo cho một đội ngũ, do người đó thể hiện sự tự tin nhiều nhất, chúng ta bị ảo tưởng tác động. Mỗi lúc bắt đầu một dự án mới và tin rằng mình biết nó sẽ hoàn thành trong bao lâu, chúng ta lại bị một ảo tưởng. Thực vậy, hầu như không có lĩnh vực nào của hành vi con người là không chạm tới ảo tưởng hàng ngày”.

Nhận xét của độc giả

“Một cuốn sách khai nhãn. Sau khi đọc, bạn sẽ nhìn vào chính mình và thế giới xung quanh một cách khác biệt.” – Joseph T. Hallinan

“Khỉ đột vô hình và cú lừa của trực giác khiến chúng ta khôn ngoan hơn bằng cách tự nhắc nhở rằng mình hiểu biết ít như thế nào.” – Amanda Ripley

“Một hành trình hấp dẫn và sâu sắc đi qua những ảo tưởng có sức ảnh hưởng tới mỗi khoảnh khắc của cuộc sống.” – Richard Wiseman

Thông tin tác phẩm:

  • Tựa chính: Khỉ đột vô hình và cú lừa của trực giác
  • Tác giả: Christopher Chabris, Daniel Simons
  • Thể loại: Tâm lý – Giáo dục
  • Giá bìa: 259,000 đ 
  • Sách do Phương Nam Book và NXB Thế giới liên kết xuất bản

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.