Ngọc Châu qua đời, bạn bè, đồng nghiệp lưu luyến nhạc sĩ hiền lành, tài năng – người giữ ký ức thanh xuân của khán giả thế hệ 7x, 8x.
Sáng 17/3, ca sĩ Thái Thùy Linh viết lời tiễn biệt Ngọc Châu – nghệ sĩ vừa qua đời ở tuổi 55 – : “Cảm ơn anh để lại những món quà tặng trái tim trong ký ức mọi người, đặc biệt là lứa ca sĩ như em, những người đã chập chững ngây thơ bước đầu tiên trên con đường nghệ thuật, với những giai điệu đẹp đẽ, trong sáng mà cách đây 20 năm, dường như không người trẻ nào không biết”.
Âm nhạc của Ngọc Châu giống tên ca khúc anh sáng tác tặng Bằng Kiều năm 1991 – Ngây thơ. Khi ấy, Bằng Kiều tham gia Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc, không có bài dự thi, nhờ đàn anh viết một tác phẩm. Nhạc sĩ dạy anh luyến láy từng câu: “Tình yêu ta thật sáng tươi, sáng mãi như ánh trăng rằm trong đêm thu trời sao lung linh. Tình yêu ta tựa cánh chim, mãi vút bay tới chân trời nơi hoa tươi và nằng ngập tràn”.
Qua các ca khúc của Ngọc Châu, cảm xúc non nớt của mối tình chớm nở, ký ức ngày đầu hò hẹn hay giấc mơ tuổi thơ hiện lên dịu dàng, thơ mộng. Anh thích viết về tuổi trẻ, nổi tiếng với nhiều ca khúc về mùa xuân như Thì thầm mùa xuân, Chiều xuân.
Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định: “Gia tài của Ngọc Châu không nhiều nhưng đa số là ca khúc vui tươi, tràn ngập hơi thở thanh xuân. Anh viết một số bài buồn, chẳng hạn như Nếu điều đó xảy ra, nhưng vẫn gửi gắm trong sáng tác sự lạc quan, ý niệm tích cực về tình yêu, cuộc sống. Thập niên 1990, âm nhạc của anh vang lên khắp hai miền Nam, Bắc, những ca từ trong sáng xuất hiện trong nhiều cuốn lưu bút của học trò thời ấy”.
Bạn bè, đồng nghiệp nhớ về một Ngọc Châu luôn say nghề. Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là nghệ sĩ đàn bầu Ngọc Hướng, mẹ là ca sĩ Vũ Dậu, nhạc sĩ được tiếp cận nghệ thuật, học piano từ bé. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp – bạn học với anh ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – nhắc kỷ niệm năm 1988, trong giờ ký âm thực hành, Ngọc Châu làm khác đáp án cả lớp, bị giảng viên cho điểm hai. Sau đó, thầy giáo về nhà kiểm tra, nhận ra anh làm đúng.
Thời sinh viên, Ngọc Châu chơi trong ban nhạc Hoa Sữa của khoa lý luận, sáng tác, phê bình, gồm nhiều tên tuổi như Đức Trịnh, Phạm Ngọc Khôi, Vũ Quang Trung, Lương Minh, Ngọc Hưng, Minh Đạo. Nhóm nổi đình đám ở Hà Nội từ cuối những năm 1980, từng tham gia nhiều liên hoan âm nhạc trong, ngoài nước.
Nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam – nhớ Ngọc Châu kiêm nhiệm đủ vai trò, từ ca sĩ, nhạc công organ đến hòa âm, phối khí. Từ thời công nghệ còn hạn chế, Ngọc Châu mày mò nghiên cứu, ứng dụng máy tính, các thiết bị hỗ trợ để làm nhạc. Sau này, anh có phòng thu riêng. Trong nhóm, Ngọc Châu cẩn thận, tỉ mỉ, được giao nhiệm vụ hậu cần, quản lý thu chi, lo “cơm áo gạo tiền” cho cả đội.
Sau khi các thành viên Hoa Sữa phát triển theo những con đường riêng, nhóm dần tan rã. Thập niên 1990, Ngọc Châu chuyển sang hoạt động ở nhóm Chìa Khóa Vàng cùng ca sĩ Bằng Kiều. Bằng Kiều nói nhiều đêm, sau khi biểu diễn xong ở vũ trường, hai người về nhà Ngọc Châu ngủ. Nhạc sĩ thường thức đến ba, bốn giờ sáng để sáng tác, chỉnh sửa bài.
Ngoài viết nhạc, Ngọc Châu từng hòa âm, phối khí thành công nhiều bài hát, trong đó có Trái tim không ngủ yên của nhạc sĩ Thanh Tùng. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp nhận định: “Những ca khúc mang dấu ấn Ngọc Châu đều thể hiện sự đa dạng, tính chuyên nghiệp, khả năng biến hóa của nhạc sĩ, giàu tính đương đại nhưng vẫn đậm chất dân gian”.
Ngọc Châu còn có công dìu dắt nhiều thế hệ đàn em như Thu Phương, Mỹ Linh, nhóm nhạc Quả Dưa Hấu, Tik Tik Tak, Con Gái, Sao Mai. Nhạc sĩ Đỗ Bảo nhớ những năm 1990, Ngọc Châu như ngọn hải đăng, soi lối cho một lứa nhạc sĩ trẻ. Mọi ca khúc, nhạc cụ anh chơi, những thông tin anh quan tâm đều được nhóm đàn em đưa ra thảo luận. Đỗ Bảo nhớ như in lời Ngọc Châu: “Trước khi học các kỹ thuật sáng tác, biểu diễn, nghệ sĩ cần học làm người”.
Thời mới hoạt động trong ban nhạc Quả Dưa Hấu, Tú Dưa, Tuấn Hưng chưa tròn 20 tuổi, thiếu kinh nghiệm, được Ngọc Châu chỉ dạy từ cách hát, giao lưu khán giả đến vũ đạo. Năm 1999, sau khi ca sĩ Bằng Kiều rời nhóm, Minh Quân và Hồ Hoài Anh được chọn thay thế. Lần đầu tiên biểu diễn, Minh Quân run vì chưa bắt nhịp được với các thành viên cũ, được Ngọc Châu động viên, hướng dẫn cách lấy hơi, giữ tinh thần.
Sau này, Minh Quân được nhạc sĩ đưa ca khúc Mùa thu vàng, giúp tên tuổi anh gần gũi hơn với khán giả. Một thời, Ngọc Châu đau đáu giới thiệu, kết nối những giọng ca Hà Nội với giới yêu nhạc TP HCM, thường gửi gắm nhạc sĩ Nguyễn Hà làm album cho các đàn em. Nói về Ngọc Châu, Bằng Kiều, Tú Dưa, Minh Quân miêu tả anh bằng câu hát trong bài Hoa cỏ mùa xuân (nhạc sĩ Bảo Chấn sáng tác): “Người vừa hiền khô dễ thương”.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ chủ yếu sống ở TP HCM, ít hoạt động nghệ thuật, hiếm gặp gỡ những người bạn thân thiết một thuở. Nhạc sĩ Nguyễn Hà cho biết: “Tính anh Ngọc Châu ít nói, hiền lành, ngại va chạm, không thích la cà, tụ tập nên không có nhiều đồng nghiệp thân thiết ở miền Nam”.
Sinh thời, nhạc sĩ thường tâm sự với Đỗ Bảo những suy tư, trăn trở, mơ ước về cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân loại. “Tôi nghĩ bất cứ điều gì anh lựa chọn, xuất hiện hay không, đều là con đường tốt nhất cho anh ấy”, Đỗ Bảo nói. Nhạc sĩ ra đi, em gái và những người thân gửi gắm lời tiễn biệt nhẹ nhàng, trong trẻo như chính âm nhạc của anh, như khúc ca Tạm biệt anh từng viết, vang vọng trong nhiều buổi chia tay của học sinh, sinh viên:
“Ngày vui đã xa dần đã xa rồi đó
Và giây phút tạm biệt với bạn hiền
Kỷ niệm mãi trong tim ta, ngày vui ấy ta bên nhau
Ta mong ước một ngày lại gặp nhau”.
Theo Vnexpress