Sáng sớm nay, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã khai hỏa rocket và tên lửa vào căn cứ Mỹ tại Iraq. Một lần nữa bom đạn lại rơi xuống mảnh đất này để chứng thực một thực tế đáng buồn, mỗi khi niềm đam mê bóng đá ở Iraq được nhen lên, một thảm họa nào đó lại xảy đến.

Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai, sau đó là Chiến tranh Iraq sau cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ, tình trạng bất ổn kéo dài với các cuộc nội chiến, xung đột và nổi dậy trước khi những cuộc biểu tình chống Chính phủ kéo dài suốt năm 2019, hơn nửa thế kỷ qua không bao giờ Iraq im tiếng súng.

Giữa làn lửa đạn, bóng đá Iraq vẫn mãnh liệt vươn lên - Ảnh 1.

Các cầu thủ U23 Iraq tập luyện ở Thái Lan.

Suốt những năm tháng đó, bóng đá – môn thể thao được yêu thích nhất tại quốc gia khốn khổ này – vẫn cố gắng tìm đất sống.

Có những thời điểm bóng đá bị cấm. Có những cầu thủ thiệt mạng, và rất nhiều gia đình của các tuyển thủ quốc gia có người thiệt mạng. Năm 2019, nạn tham nhũng và khủng hoảng tài chính cùng các cuộc biểu tình bạo lực khiến giải VĐQG Iraq bị đình trệ, tạo nên làn sóng di cứ ra nước ngoài.

Nhưng bất chấp tất cả, từ những đứa trẻ đến các cầu thủ vẫn tìm ra cách để chơi bóng đá. Và mỗi khi có trận đấu của ĐTQG, mọi hoạt động trên toàn Iraq đều ngừng lại và mọi người xúm lại quanh chiếc TV.

Bóng đá trở thành lối thoát cho cuộc sống tăm tối, một liều thuốc bổ cho đất nước trong cơn bạo bệnh. Khi ấy, họ tìm thấy sự đoàn kết dưới một màu cờ, bất chấp xung đột về giáo phái, tôn giáo hay sắc tộc.

Giữa làn lửa đạn, bóng đá Iraq vẫn mãnh liệt vươn lên - Ảnh 2.

U23 Iraq (áo xanh) là một trong những đội được đánh giá cao ở VCK U23 châu Á.

Đó là lý do trước thềm VCK U23 châu Á, hậu vệ Amir Al-Ammari, ngươi đang chơi tại Thụy Điển, nói rằng tinh thần đồng đội là chìa khóa thành công của Iraq. Anh nói rằng đối thủ ở trận khai mạc, Australia, rất mạnh, giỏi kiểm soát bóng và tạo nên áp lực khổng lồ. “Nhưng chúng tôi không lo lắng”, Al-Ammari cho biết, “Chúng tôi có sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết và biết rằng hàng triệu người hâm mộ ở quê nhà đang dõi theo”.

Iraq vốn nổi tiếng với sự quật cường và tinh thần mạnh mẽ của họ là thứ mà cả thế giới ngưỡng mộ. Cách đây 13 năm, trong bối cảnh đất nước bị tàn phá bởi Chiến tranh Iraq, các tuyển thủ của họ, vốn phải tập luyện khi các cuộc không kích diễn ra và không có HLV trong vài tuần trước Asian Cup 2007, đã chơi đầy quả cảm để đăng quang.

Tại Iraq, những người Sunni, Shias và người Kurd sẵn sàng chĩa súng vào nhau. Nhưng một khi khoác lên mình chiếc áo đội tuyển, tôn giáo được đưa ra ngoài. Họ thậm chí đồng ý không thực hiện các nghi thức tôn giáo, bao gồm cả cầu nguyện trước trận. Tất cả chỉ tập trung vào bóng đá. Sau đó bước ra sân và chơi bằng cả trái tim để giành chiến thắng.

Giữa làn lửa đạn, bóng đá Iraq vẫn mãnh liệt vươn lên - Ảnh 3.

U23 Iraq đầy tự tin sẽ lọt vào tốp 3 đội mạnh nhất VCK U23 châu Á.

Alli Abbas, tuyển thủ Iraq cho hay, anh và đồng đội chơi bóng với tránh nhiệm mang lại chút niềm vui, đoàn kết dân tộc và góp phần giảm bớt căng thăng ở quê nhà.

Bây giờ cũng vậy, khi bom đạn lại nổi lên, chính là lúc các cầu thủ U23 hành động. HLV Abdul-Ghani Shahd cho biết mục tiêu của U23 Iraq là giành vé đến Olympic 2020.

Năm 2016, Iraq giành vị trí thứ 3 ở VCK U23 châu Á, sau đó tới Olympic 2016 và cầm hòa chủ nhà Brazil của Neymar, đội sau này đoạt Huy chương Vàng. Vào năm đó, những người Iraq đã có dịp ngồi lại với nhau để tận hưởng các trận đấu. Và trên đường phố Baghdad thỉnh thoảng lại vang lên tiếng súng. Không phải mang mục đích bạo lực, đơn giản chỉ là cách mà họ ăn mừng.