Nhắc đến Đoàn Đồng Ấu Bạch Long, khán giả sẽ nhớ ngay đến hình ảnh những bạn nhỏ thiếu niên tài năng với những trích đoạn cải lương tuồng cổ đầy màu sắc trong ký ức.
Đây cũng chính là nơi đã ươm mầm cho những tài năng sân khấu từ thuở chập chững non nghề, cho đến nay là những cái tên vàng ưu tú trong làng nghệ thuật Cải Lương: NSƯT Vũ Luân, NSƯT Tú Sương, NS Trinh Trinh, NS Bình Tinh, NS Lê Thanh Thảo,… Qua những thăng trầm của thời cuộc, đến nay đoàn Đồng Ấu vẫn được nghệ sĩ Bạch Long duy trì công tác giảng dạy cũng như các hoạt động biểu diễn, các thế hệ học viên tiếp nối nhau mà cùng phát triển. Cho đến hiện nay, một bộ phận các học viên của đoàn Đồng Ấu Bạch Long đã cùng nhau lập nên một nhóm nhỏ mang tên “Tùng Long Quý Tử”.
Tiếp nối hướng đi đam mê nghệ thuật của đoàn Đồng Ấu, các bạn “Tùng Long Quý Tử” liên tục trau dồi và cố gắng từng ngày kỹ thuật biểu diễn, nơi “dụng võ” của nhóm là các sân khấu học đường và các trung tâm văn hóa xã hội. Được biết, ngoài việc thỏa mãn đam mê, nhóm còn mong muốn bảo tồn và đưa nghệ thuật Cải Lương đến gần hơn với các khán giả trẻ, bằng nhiều hình thức và dự án khác nhau mà nhóm đang thực hiện. Một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Hiện tại nhóm chúng em đang làm một dự án phi lợi nhuận-“Đưa Cải Lương vào Học đường”, với mong muốn giúp các bạn trẻ và các cấp hiểu được nhiều hơn bộ môn nghệ thuật truyền thống này và biết thêm được nhiều về lịch sử nước nhà. Hơn nữa, nhóm còn ấp ủ được trình diễn cho khách du lịch từ nước ngoài đến Việt Nam để họ được xem, được biết đến môn nghệ thuật này.”
Với hình thức biểu diễn là trình diễn trích đoạn, nhóm liên tục tái hiện những tác phẩm lịch sử nổi tiếng, nhắc nhớ về những giai thoại hào hùng của dân tộc. Vừa qua, để chào mừng lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nhóm đã trình diễn trích đoạn nổi tiếng một thời “Tiểu anh hùng Nam quốc”. Câu chuyện về người tiểu anh hùng Trần Quốc Toản một lần đến bến Bình Than mong dự hội nghị cùng bá quan văn võ để can vua đừng lầm kế giặc Nguyên Mông mượn đường xâm lấn. Hành động bị xem thường vì là đứa trẻ tuổi 15 đã khiến Trần Quốc Toản bóp nát quả cam quý vua ban, để về sau dựng nên lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” cứu quốc.
Thể hiện rõ mong ước xây dựng một dự án phi lợi nhuận để quảng bá rộng rãi nghệ thuật truyền thống Cải Lương, nhóm nhắm đến các địa điểm biểu diễn tại các trường Trung học cơ sở, Trung học Phổ Thông và các Trung tâm Văn hóa lớn nhỏ. Cho thấy tinh thần yêu nghệ thuật của các bạn là từ tận đáy lòng.
Mỗi một thành viên đều có công việc riêng mình, nhưng vẫn luôn giữ ngọn lửa đam mê trong mình, từ đó lan tỏa rộng khắp hơn nữa các hoạt động trình diễn nghệ thuật nhằm bảo tồn tinh hoa của dân tộc. Nhóm năng động trong từng sự kiện tham gia biểu diễn, luôn cố gắng tìm tòi và phát huy thêm những bức phá mới cho nghệ thuật cải lương trước tình thế cạnh tranh giải trí của xã hội. Có lẽ ít nhiều, những người học trò tuổi nghề non trẻ đang tiếp nối tinh thần “yêu nghề giữ nghiệp” của nghệ sĩ Bạch Long, một người thầy nghề đáng kính. Hơn nửa đời người, nghệ sĩ Bạch Long lèo lái con đò Đồng Ấu đã đưa sang dòng sông nghề bao thế hệ nghệ sĩ, dù đã qua bão giông lắm buổi, nhưng không một chuyến đò nào dang dở.
Vẫn trên tinh thần truyền tải nghệ thuật cải lương tới khán giả trẻ và người nước ngoài, “Tùng Long Quý Tử” sẽ sớm tái ngộ cùng quý khán giả với những tác phẩm nghệ thuật tâm huyết và chỉn chu.
Lê Nguyễn Ngọc Lâm