|
Riêng với tôi, bánh bao lại là món ăn thường được rao bán giữa đêm khuya, món bánh với lớp vỏ mỏng, phần nhân đầy ắp thịt, nấm mèo và cà rốt… Cảm giác thò đầu ra cửa sổ để mua chiếc bánh bao nóng hổi, vừa ăn vừa xuýt xoa từng là niềm hạnh phúc của tôi và có thể là của cả những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn.
Có một dạo, khi chạy ngang trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (19 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM) tôi bắt gặp một xe bánh bao nằm khuất sau gốc cây to trên vỉa hè.
Bánh bao ở đây được bán với giá 15.000 đồng/cái, vỏ bánh mỏng và có màu trắng ngà, trên chóp bánh có trang trí thêm mấy lá ngò rất đẹp mắt. Nhân bánh dù không có cà rốt nhưng vẫn đầy đủ thịt bằm, nấm mèo, hành… và 2 quả trứng cút. Nhiêu đó cũng đủ để tôi thấy mừng rơn khi được cầm trên tay chiếc bánh bao tương tự trong ký ức.
Chú Son kể: “Bánh bao của tôi được làm theo công thức cha truyền con nối, cũng hơn 40 năm rồi. Tôi với bà xã cùng làm bánh bao, từ nhào bột đến làm nhân. Bột mì là bột của Pháp, thịt thì tôi mua trên chợ đầu mối, chợ Hóc Môn, phải là thịt có đóng mộc đàng hoàng tôi mới mua. Về nhà vợ chồng làm, con cái rảnh thì nó phụ, còn không có thì mình tự làm xong rồi đi bán”.
Theo lời chú, hồi mới cưới, 2 vợ chồng được ba chú chỉ cách làm bánh bao rồi cùng nhau đạp xe đi bán khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn. “Ban đầu cũng lỗ dữ lắm, tại người ta ăn quen cái vị cha mình làm rồi, giờ mình làm thì nó lại hơi khác đi, ai ăn quen họ nhận ra ngay”, chú nhớ lại.
Chú cho biết: “Công đoạn làm bánh bao cũng lắm công phu, bắt đầu từ 2 – 3 giờ sáng đến tận 10 giờ đêm. Nguyên liệu mua về thì tôi phải làm sạch, sơ chế các kiểu rồi nêm nếm gia vị để làm phần nhân. Riêng khâu nhào bột rất là cực, phải nhào với sức vừa phải trong một khoảng thời gian nhất định chứ không phải nhào càng mạnh tay là bột càng mịn đâu”.