Môi trường đang ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khoẻ
Theo các thống kê từ 11 trạm quan trắc đặt quanh Hà Nội được tổng hợp trực tiếp bởi Sở Tài nguyên Môi trường thành phố, chỉ số chất lượng không khí (AQI) một số nơi ở Hà Nội luôn ở mức kém.
Trong ngày 17/9, hơn 40 điểm đo trong hệ thống quan trắc PAMAir ở các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông… đều ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, dao động với chỉ số AQI từ 150-180.
Chất lượng không khí tại Hà Nội được khuyến cáo trong tình trạng báo động và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ và người già.
Trong ô nhiễm không khí Hà Nội, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 là vấn đề nghiêm trọng nhất. Chỉ số bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội là 111,3 µg/m3, cao gấp 4,5 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 11,1 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo WHO mức PM2.5 lý tưởng trong không khí là 10 µg/m3.
BS.CKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong không khí có rất nhiều loại bụi khác nhau bao gồm bụi vô cơ và hữu cơ.
Trong đó, bụi hữu cơ có lẫn nhiều tạp chất khác như: nito, lưu huỳnh, kim loại… rất độc hại. Các hạt bụi có chứa nhiều hợp chất hóa học này có thể gây kích ứng đường hô hấp và lâu dài có thể gây ra tình trạng rối loạn đường thở.
Đáng lo ngại nhất của vấn đề ô nhiễm bụi theo bác sĩ Hồng là các hạt bụi PM2.5, các loại hạt bụi này có kích thước rất nhỏ tương đương với kích thước của các nano.
Bụi mịn PM2.5 hình thành từ các chất như: Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Do kích thước của bụi rất nhỏ chỉ tương đương với các hạt nano nên nó có khả năng luồn lách vào túi phổi và tĩnh mạch phổi, đi trực tiếp vào máu gây độc cho cơ thể con người.
Đây là nguyên nhân của phần lớn các bệnh lý về hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn, tim mạch hay ung thư.
Theo cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định, bụi PM 2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene.
Khẩu trang có ngăn được bụi PM2.5 và không khí ô nhiễm
PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho hay, khẩu trang thông thường không thể ngăn được bụi PM2.5 vì kích thước của loại bụi này quá nhỏ. Tuy nhiên, loại khẩu trang có nhiều lớp xốp và lớp lông mịn có thể giữ lại được một chút ít bụi này, nhưng không đáng kể.
PGS.TS Côn khuyến cáo hiện nay, rất nhiều người vì sợ hít phải không khí ô nhiễm và bụi PM2.5 đã đeo nhiều lớp khẩu trang dày cách làm này không mang tới hiệu quả. Vì khi đeo khẩu trang quá dày sẽ gây ra bí khó chịu cho người dùng, bụi vẫn có thể đi xuyên qua khẩu trang hoặc đi qua những khe hở ở cánh mũi, dưới cằm.
Vậy loại khẩu trang hoạt tính nhiều lớp có ngăn được bụi PM2.5 và không khí ô nhiễm không? (PV hỏi), PGS. Côn cho rằng, lớp than hoạt tính ở khẩu trang mục đích để hấp thụ các chất hữu cơ, dung môi. Than hoạt tính bản chất là các hạt được phết lên một lớp vải xốp và được máy vào khẩu trang.
Bụi PM 2.5 là các hạt rắn tương đối trơ không hấp thụ than hoạt tính (tính chất than hoạt tính không phải để lọc bụi). Để ngăn ngừa được loại bụi này theo chuyên gia phải dùng loại mặt nạ có lớp hấp thụ dày.
Theo chuyên gia, dù các sản phẩm khẩu trang trên thị trường không có khả năng ngăn được bụi PM2.5, nhưng khi di chuyển trên đường việc đeo khẩu trang là rất cần thiết.
“Trong không khí không chỉ có bụi PM2.5 mà còn các hạt bụi hữu cơ (sản phẩm cháy dở của động ô tô, xe máy) cũng độc cho cơ thể nên đeo khẩu trang là cần thiết.
Nên chọn khẩu trang theo đúng kích cỡ để ôm sát vào các vị trí trên khuôn mặt. Loại khẩu trang có than hoạt tính thông thường có thể hấp thụ một chút ít chất độc có trong không khí nhưng trong thời gian rất ngắn chỉ một vài hơi thở.
Muốn hấp thụ được các chất độc phải đeo khẩu trang có lớp than hoạt tính dày chứa hơi trong thời gian 1 tiếng, 2 tiếng”, PGS.TS Côn nói.
Bác sĩ Hồng cũng cho biết thêm, khẩu trang thông thường không thể ngăn được bụi siêu nhỏ PM 2.5 nhưng trong thời điểm ô nhiễm, người dân nên có ý thức tự bảo vệ mình bằng khẩu trang, kính mắt. Khẩu trang có thể hạn chế phần nào bụi khói khi người dân lưu thông.
Đặc biệt với những nhóm người sau: người có bệnh lý tim mạch, hô hấp, bệnh mãn tính, người già, trẻ nhỏ khi có triệu chứng ho, khó thở tăng lên, cần đi khám ngay.