Tại sao phải yêu Tây? Họ có gì hấp dẫn? Mình muốn ăn nước mắm mà ‘nó’ muốn ăn pho mát thì làm thế nào?
Nếu hỏi tôi về đàn ông thì thật sai lầm bởi tôi là phụ nữ. Và nếu hỏi tôi về “kinh nghiệm tình trường” thì lại càng sai lầm bởi so với mọi người thì tôi có yêu nhiều người lắm đâu?
Cái tôi có, là một cái đầu hay nghĩ.
Vâng, tôi hay quan sát, suy ngẫm, hệt một bà cụ non. Rồi tôi nói ra những câu đầy vẻ sâu xa làm người ta tưởng tôi biết nhiều lắm. Thế là họ hỏi han ý kiến, phỏng vấn tôi lên báo, thậm chí lên truyền hình nữa.
Không biết các bạn thế nào, chứ tôi thì phân biệt rất rạch ròi, ai tôi có thể gọi là “bạn trai” của mình. Những người hẹn hò một lần, vì cảm mến, không thể coi là bạn trai. Những người quen trong khoảng thời gian ngắn, chưa nảy sinh tình yêu hoặc không có kế hoặch gắn bó lâu dài thì cũng không thể coi là bạn trai. Tôi gọi họ là những ngưòi bạn hẹn hò (date). Chính bởi vậy, tôi nghĩ mình có thể tự tin nói rằng cho đến giờ, những người tôi coi là bạn trai có thể đếm được trên một bàn tay.
Trong bàn tay này, 2 người bạn trai của tôi là người Việt – một là mối tình học sinh kéo dài 5 năm, đẹp lúc ban đầu khi chúng tôi còn trẻ, thơ dại, và dần dần khi chúng tôi trưởng thành bên nhau, tôi có vẻ như lớn với tốc độ nhanh hơn nhiều. Và thế là chúng tôi chia tay. Mối tình thứ hai, anh cũng là người Việt Nam như tôi. Chúng tôi quen nhau khi là du học sinh đi học ở nước ngoài và từng được bạn bè mệnh danh là “cặp đôi vàng”.
Nhưng rồi cuộc tình gần 4 năm của chúng tôi cũng chấm dứt trong nuối tiếc bởi có lẽ duyên số định rằng chặng đường bên nhau tới đó là dừng. Mỗi lần nghĩ tới hay nhắc về anh tôi vẫn luôn dành cho anh một sự tôn trọng, yêu mến nhất, bởi rốt cuộc, có lẽ anh là người gần nhất với cái guồng lương duyên của xã hội định ra, yêu – lập gia đình.
Khi yêu, người ta hay mặc định sẵn đâu sẽ là cái đích cho mình, mà không hiểu rằng, lúc yêu nhau, người ta cần phải nhìn cùng một hướng. Trước khi đi du học, tôi từng quả quyết với bà nội rằng: “Không bao giờ tôi có bạn trai là người nước ngoài. Đơn giản lúc đó tôi chẳng thấy gì hấp dẫn từ họ. Đến sau tôi mới biết, đừng bao giờ nói “không bao giờ”.
Hà Anh từng trải qua 5 mối tình, 3 trong số đó là người nước ngoài. |
Thế đấy, vậy là 3 trong số 5 người bạn trai của tôi là người nước ngoài. Tôi giải thích dài dòng như vậy để các bạn thấy rằng, mọi người nghĩ tôi đi học nước ngoài, làm việc ở môi trường nước ngoài nên bảo tôi “chỉ yêu người nước ngoài” là sai. Ít nhất theo “số liệu thống kê” thì không phải thế. Tôi rất không thích điều này là đằng khác, nào là so sánh trai Việt – trai Tây, dường như người ta thích làm nảy sinh những mâu thuẫn “nảy lửa” giữa những đấng mày râu này.
Tôi luôn nghĩ, người xấu và người tốt đều có mặt ở mọi nơi trong xã hội, đàn ông sẽ có tốt và xấu, bất kể màu da, tôn giáo, văn hoá. Tôi rất may mắn khi có duyên số gặp gỡ và được yêu thương bởi những người đàn ông tốt, bởi vậy trong ký ức của tôi, ngoài những giận dỗi mà bất kể các cặp đôi nào cũng từng trải qua, tôi lưu giữ rất nhiều những ký ức đẹp về họ.
Vậy đừng cho rằng tôi tô vẽ một màu hồng khi kể về họ, cũng đừng cho rằng tôi làm phép so sánh để đề cao người này, “chê bai” người kia. Vâng, xin cho tôi khẳng định lại, “phụ nữ là những tạo hoá đáng yêu” và đàn ông thật may mắn khi được yêu họ.
Đàn ông ngốc nghếch và cũng thật đáng yêu. Họ làm phụ nữ ngập tràn cảm xúc, làm ánh mắt chúng tôi long lanh nhưng rồi cũng lắm lúc làm chị em đau khổ, vò đầu nhủ thầm: “Đàn ông, thật hết thuốc chữa”.
Do thời đại và xu hướng toàn cầu hoá, chúng ta di chuyển nhiều đến các đất nước khác nhau, để trải nghiệm văn hoá, sinh sống, làm việc. Bởi vậy xu hướng yêu và kết hôn với người khác quốc tịch, văn hoá, màu da, hay tôn giáo, không còn là điều lạ lẫm đối với các đất nước phát triển.
Đối với Việt Nam, thời kỳ mở cửa, hình ảnh một người đàn ông nước ngoài, yêu và kết hôn với một người phụ nữ Việt không còn là lạ. Nhưng với những ai chưa có những trải nghiệm này, cũng như tôi ngày xưa, sẽ tự hỏi hàng tá câu hỏi: “Họ có gì là hấp dẫn nhỉ? Tại sao phải yêu đàn ông nước ngoài? Nói chuyện với nhau làm sao? Khác biệt nền văn hoá sẽ làm thế nào?”. Cho đến những câu hỏi cặn kẽ kiểu như: “Mình muốn ăn nước mắm mà “nó” muốn ăn pho mát thì làm thế nào?”.
Xin thưa, tôi chỉ trả lời ngắn gọn thế này để chúng ta có thể chuyển qua phần “thú vị” hơn, đó là cuộc sống thực sự muôn màu muôn vẻ. Đôi khi người ta bị hấp dẫn bởi nhau ở những thứ đồng điệu, nhưng đôi khi những điều khác biệt cũng làm nên những khám phá trải nghiệm thú vị, và là thỏi nam châm gắn kết với nhau. Và khi đã yêu thương và chấp nhận nhau, có nghĩa là phải chấp nhận, hoà nhập và tôn trọng nền văn hoá, tập tục của nhau. Nghĩa là nếu chàng mà “cấm” bạn ăn nước mắm là điều không thể chấp nhận được và ngược lại.
Yêu nhau, có nghĩa là chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau. Tôi xin nhấn mạnh lại. Tôi rất thích ăn mực nướng, nên giả sử nếu chàng mà yêu tôi, thì chàng không thể kêu ca về mùi mực nướng toả ra được, phải không nào?
Đàn ông Tây có đủ mọi tật xấu mà mọi đàn ông có, cũng có đủ những thứ đáng yêu của mọi đàn ông “ta” sở hữu. Nhưng sự khác biệt về tư duy, nền văn hoá và quan niệm làm nên nhiều cái khác biệt đối với họ.
Họ được sinh ra trong gia đình và xã hội, với tư duy về thứ tự sự ưu tiên: “Trẻ con, phụ nữ, người già, thú vật… rồi mới đến đàn ông”. Chính vì vậy, phụ nữ, một tạo hoá vô cùng đáng yêu, luôn cần được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.
Là nam giới, nếu thấy phụ nữ phải xách đồ nặng, bất kể quen biết hay không, thì nam giới cần phải xung phong xách hộ, thấy cửa là phải mở hộ. Luôn nhường cho phụ nữ đi trước, ăn trước… Chính vậy, chúng ta thường thấy người chồng địu con thay vợ mà không tủi thân “phận đàn ông mà bìu ríu con cái là sự xấu hổ”.
Con người ở phương Tây từ bé đã được rèn luyện lối sống tự lập, chính vì vậy họ không có thói quen đòi hỏi được người khác phục vụ, đặc biệt là người phụ nữ của mình. Nếu phụ nữ nấu cơm, họ sẽ xung phong dọn dẹp, rửa bát mà không cảm thấy “đây là việc của phụ nữ còn mình chỉ lo việc đại sự”. Vâng, việc “đại sự” ở xã hội phương Tây là do cả hai cùng “gánh vác”. Cái này là điều “tốt” hay “xấu” cũng là tuỳ quan niệm của mỗi người.
Với Hà Anh, đàn ông Tây hay ta đều có những điểm tốt và xấu. |
Nếu như đàn ông châu Á, trên lý thuyết phải “gánh vác” nhiều trọng trách như mua nhà cho gia đình, hay trả tiền cho mọi bữa ăn khi cả hai đi ăn, thì ở xã hội phương Tây, cả hai vợ chồng cùng đi làm, cùng chia nhau trả tiền nhà, thay nhau trả tiền ăn, chi tiêu.
Người ta lo rằng sự rành mạch quá làm mất đi sự lãng mạn. Tôi thì thông cảm với cánh đàn ông về những “sức ép” xã hội về việc làm trụ cột gia đình. Cũng như thông cảm cho chị em phụ nữ vì được xếp cho nhiệm vụ nuôi con, tề gia nội trợ, xây dựng tổ ấm một cách đơn độc. Cá nhân tôi thích cả hai cùng chung sức xây dựng cuộc sống một cách bình đẳng, không phụ thuộc, chỉ phụ thuộc vì tình yêu và tình nguyện mà thôi.
Đừng nghĩ là đàn ông Tây, thì họ không biết lãng mạn thơ thẩn như các chàng châu Á nhé. Họ cũng đàn hát, làm thơ, trồng cây si như thường. Do bản năng tự nhiên bộc lộ cảm xúc từ nhỏ, thay vì ở xã hội châu Á được nuôi dạy để kìm nén cảm xúc, đàn ông Tây thường tự nhiên bộc lộ cảm xúc như hôn, ôm hay cầm tay người yêu hay vợ của mình trước bạn bè hay ngoài đường. Họ không cảm thấy “mất mặt” khi nói từ “Anh yêu em” nhiều lần, hay khi bị vợ gọi về trong khi đang đi chơi cùng đám bạn.
Nhưng dĩ nhiên, đàn ông nào cũng thế, có cái sĩ diện riêng của họ, nên phụ nữ cần phải tâm lý, làm họ được tự hào trước mặt mọi người. “Lấy nhu thắng cương” vẫn luôn là điều khôn ngoan. Vậy các bà vợ, các cô người yêu thay vì sừng sộ, quát nạt chồng hay người yêu như bà la sát, hãy biết dịu dàng, ngọt ngào, thậm chí nũng nịu để làm chàng tự nguyện làm theo ý mình. Các cụ vẫn nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Câu nói này cực kỳ đúng, và phải nói là, chẳng phân biệt Tây – ta, câu nói này đúng toàn cầu!
Nhiều người vẫn nói đàn ông Tây sống chung thuỷ hơn đàn ông Việt. Điều này đúng và cũng không đúng. Quan trọng không chỉ là đàn ông Tây hay Việt, mà cái lỗi ở đây là quan niệm và xã hội. Xã hội Việt Nam quan niệm “Đàn ông hào hoa ong bướm là chuyện bình thường, miễn là trở về với vợ con”, hay những bà mẹ dặn con gái hãy “nhịn”, hay những người phụ nữ không dám nói “không” với sự phản bội bởi không có sự độc lập về tài chính, hay những người bạn bè nhắm mắt làm ngơ khi nhìn những ong bướm của người bạn mình. Tất cả đã tạo nên một thói quen xấu cho đàn ông, không chung thuỷ cũng chẳng sao, là thằng đàn ông thì có cái quyền. Lỡ có ngoại tình, vợ vẫn cam chịu, nhẫn nhịn, và được mọi người tô điểm sự nhẫn nhịn đó là một trong những đức tính “vàng” của người phụ nữ!
Không, xã hội đã làm nên những thói quen xấu, chứ bản chất của người đàn ông thích sự chinh phục, những thứ mới lạ, không phải xa lạ đối với bất kể văn hoá nào. Chỉ có văn hoá đó có chấp nhận và dung túng cho những hành vi này không.
Ở xã hội phương Tây, làm việc cho những công ty “tư bản”, người đàn ông tối đầu tối mắt từ sáng đến chiều. Tối về nhà sẽ chỉ còn sức loay hoay với vợ con và nghỉ ngơi. Họ không có điều kiện và thời gian để “tòm tèm” với người khác. Nếu có, họ sẽ mất tất cả bởi luật pháp hôn nhân bảo vệ người phụ nữ, tiền bạc, con cái… Và vì vậy, người phụ nữ cũng sẵn sàng nói “không” với những “thói hư” của người chồng.
Tuy nhiên, nói đến sự “trai ham sắc”, đàn ông Tây cũng mê chinh phục, nhưng họ sẽ chinh chiến trong sự sòng phẳng của tình cảm thời trai trẻ. Đến thời điểm cảm thấy đủ trải nghiệm, họ quyết định “ràng buộc”, họ buộc sẽ có trách nhiệm với lựa chọn của chính mình hơn. Dĩ nhiên, đó là lý thuyết, đàn ông Tây, nếu được xã hội dung túng, cũng có thể “hư”, thậm chí còn “hư” hơn cả đàn ông ta.
Gần đây, khi thấy một số nghệ sĩ nữ có người yêu là người ngoại quốc, mọi người thường tự hỏi vì sao, liệu có phải vì đàn ông Tây tốt hơn đàn ông Việt không? Tôi cho rằng không hẳn là như vậy, Tây hay ta cũng có những cái tốt và xấu riêng. Tuy nhiên, đối với văn hoá giáo dục và phong cách sống của phương Tây, người đàn ông sinh trưởng ở xã hội này có cái nhìn thoáng hơn đối với vai trò của người phụ nữ. Họ không cảm thấy khó chịu khi người phụ nữ của mình phải đi làm việc nhiều, hay được nhiều người ngưỡng mộ. Họ không nghĩ rằng phụ nữ đến tuổi cần phải sinh con, cũng như không tin rằng “bổn phận” của người phụ nữ là tề gia nội trợ.
Có lẽ chính vì vậy, những nghệ sĩ, với đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi khác với những công việc thông thường khác của xã hội, tìm thấy sự đồng cảm ở một nền văn hoá cởi mở hơn? Vâng, màu da không làm nên sự khác biệt, không làm nên tốt – xấu. Thực chất tốt – xấu là do quan niệm, lựa chọn mà thôi.
Văn hoá châu Á nói chung hay Việt Nam nói riêng cũng có những ưu điểm của nó, sự chu toàn của người đàn ông chăm lo cho gia đình, truyền thống về gia đình mà xã hội phương Tây ngày nay ngày một dần mất đi.
Xã hội thời hiện đại có tính toàn cầu hoá, vì vậy một xã hội đi lên là một xã hội biết thích nghi và chấp nhận những cái đa dạng, chấp nhận những đổi mới và gìn giữ văn hoá truyền thống tốt. Tôi là một cô gái đủ “lớn” để hiểu về văn hoá Việt truyền thống, và cũng đủ trẻ để hoà nhập vào văn hoá toàn cầu.
Tôi sinh ra lớn lên ở xã hội Việt, nhưng trưởng thành ở xã hội phương Tây. Tôi tự hào về nguồn gốc, quê hương mình và đón nhận tinh tuý của mọi văn hoá. Tây hay ta, đối với tôi, đàn ông vẫn là đàn ông: Ngốc nghếch, sĩ diện, cứng đầu, nhưng cũng rất đáng yêu.
Nhớ đấy, hỡi phụ nữ, những tạo hoá đáng yêu!
Về Hà Anh: Hà Anh là nhân vật thứ hai được Ngoisao.net mời viết cho mục “Chat với người nổi tiếng”. Hà Anh tên đầy đủ Vũ Nguyễn Hà Anh, sinh ngày 10/ 4/1982, là một người mẫu, ca sĩ. Sở hữu gương mặt cá tính và vóc dáng “đồng hồ cát” gợi cảm, cô là một trong số ít những người mẫu Việt Nam có hoạt động và thành công trong làng thời trang quốc tế. Cô được đánh giá là một trong những người mẫu quyền lực nhất Việt Nam và được mời làm giám khảo chính của cuộc thi Vietnam’s Next Top Model mùa thứ nhất năm 2010. Năm 2011, Hà Anh thử sức với vai trò làm ca sĩ và đã phát hành được 2 đĩa đơn. Hà Anh là người nghiêm túc trong tình cảm. Cô từng nhiều lần hẹn hò nhưng đang gắn bó với đầu bếp nổi tiếng Bobby Chinn. Hai người công khai tình cảm vào năm 2013, sau khi quen và yêu nhau gần một năm. |