Mới đây, giới mộ điệu nghệ thuật không chỉ của Paris mà còn ở khắp châu Âu đã cùng tề tựu tại Almine Rech Gallery (Paris) – phòng trưng bày nghệ thuật uy tín quốc tế – để thưởng thức triển lãm của một trong những nghệ sĩ đương đại nổi bật đến từ Việt Nam, Tia-Thủy Nguyễn.
Triển lãm với tên gọi “Lấp lánh giữa Bao La – Sparkle in the Vastness” của nghệ sĩ Tia-Thuỷ Nguyễn là một trong những tiêu điểm của phòng tranh nổi tiếng Almine Rech, khi ra mắt công chúng vào ngay tháng mở đầu năm mới 2024. Triển lãm sẽ kéo dài hơn 1 tháng, và kết thúc vào ngày 24/2/2024. Almine Rech là nơi tổ chức nhiều buổi triển lãm danh giá của các hoạ sĩ đương đại có tiếng: Justin Adian, Joe Andoe, Ziad Antar, Roby Dwi Antono, John M Armleder,…
Đây là một bước tiến mới trong hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của Tia-Thuỷ Nguyễn; đồng thời là cơ hội hiếm thấy khi một nghệ sĩ đương đại Việt Nam được đại diện độc quyền bởi một phòng tranh đẳng cấp, tầm cỡ thế giới. Việc hợp tác này ghi lại dấu mốc quan trọng trong thực hành nghệ thuật của Tia-Thuỷ Nguyễn, thể hiện sự quy mô, bài bản của cô trên trường quốc tế.
Trong ngày khai mạc triển lãm, đông đảo giới mộ điệu nghệ thuật Paris, những người có ảnh hưởng trong xã hội và bạn bè đã có mặt để chúc mừng Tia-Thủy Nguyễn. Đặc biệt phải kể đến sự xuất hiện của Vợ chồng Ông Bernard Ruiz-Picasso – cháu trai của họa sĩ Pablo Picasso, nhà thiện nguyện, tác giả và người thừa kế quyền sở hữu tác phẩm của Picasso và Bà Almine Rech – Người sáng lập Phòng trưng bày Almine Rech; Ông Đinh Toàn Thắng – Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp; Ông Martin Rama – Cựu Chuyên gia Kinh tế trưởng World Bank Việt Nam; Bà Eva Nguyễn Bình – Chủ tịch viện Pháp; Bà Vanessa Tubino – Thủ quỹ Câu lạc bộ Người nước ngoài Công quốc Monaco; Bà Mara Hoberman – Nhà lịch sử nghệ thuật và nhà nghiên cứu của Joan Mitchell Catalog Raisonné (Paris). Bên cạnh đó là rất nhiều các phóng viên, báo chí cũng đến đưa tin và phỏng vấn nghệ sĩ.
Triển lãm được tổ chức trong không gian tối giản với những bức tường được sơn trắng để làm nổi bật tác phẩm. Khách tham quan đã dành rất nhiều thời gian để chiêm ngưỡng các tác phẩm cũng như nói chuyện, trao đổi với chủ nhân các tác phẩm về đam mê với nghệ thuật, cảm hứng sáng tác cũng như kỹ thuật vẽ, thêu, đính cườm…
Sự công nhận tài năng của Tia-Thủy Nguyễn của Almine Rech
Năm 2023 là một năm đánh dấu sự hoạt động miệt mài và tích cực của Tia-Thủy Nguyễn tại Pháp nói riêng và châu Âu nói chung khi liên tiếp góp mặt vào các triển lãm (như Floating in the Nothingness, Flower of Life,…). Điều này đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho Almine Rech – doanh nhân và nghệ sĩ người Pháp, người thành lập một trong những phòng triển lãm nghệ thuật hàng đầu trên thế giới và đồng sáng lập FABA (Fundación Almine y Bernard Ruiz-Picasso), tổ chức chuyên bảo vệ di sản của Pablo Picasso và duy trì kho lưu trữ phong phú các tác phẩm của ông.
Almine Rech đã không ngần ngại đưa ra lời mời Tia-Thủy Nguyễn và dành không gian tại phòng trưng bày Paris để thực hiện một triển lãm cá nhân cho cô vào những ngày đầu năm 2024, như một khởi đầu rực rỡ cho năm mới.
Qua hơn 20 tác phẩm trong triển lãm “Lấp lánh giữa Bao la – Sparkle in the Vastness” trưng bày tại Paris lần này, Tia-Thủy Nguyễn đã mang tới một bữa tiệc thị giác cho người xem khi cô tiếp tục “chơi đùa” với các chất liệu đa dạng. Tuy được đào tạo hội hoạ bài bản theo kiểu phương Tây, Tia luôn muốn đưa vào trong thực hành của mình tinh thần Á Đông đã nuôi dưỡng cô. Là một người yêu thích và trân trọng nghề thủ công, cô dành nhiều năm tìm hiểu, theo đuổi rốt ráo các kĩ thuật thêu thùa, đính kết truyền thống để rồi biến chúng thành một ngôn ngữ hội hoạ độc đáo của riêng mình.
“Lấp lánh giữa Bao la” tiếp nối cảm hứng sáng tác về những đám mây của Tia-Thuỷ Nguyễn, bắt nguồn từ những câu chuyện mà cha cô – một phi công không quân – từng kể về việc bay xuyên qua những đám mây vừa hùng vĩ tuyệt trần, vừa tiềm tàng nguy hiểm. Bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp bí ẩn nhưng vô cùng trong trẻo của những đám mây, người nghệ sĩ đã hình thành một mối giao cảm sâu sắc cũng như mối quan tâm dai dẳng với mây, trời ánh sáng. Một cách tự nhiên, chúng đi vào trong tác phẩm của cô, ở tạo hình, ở lớp lang chất liệu và cả ở cách xử lý ánh sáng có phần kịch tính, mở ra những quang cảnh tráng lệ.
Từ câu chuyện về sự nghiệp không quân của Bố, trải nghiệm cuộc sống cá nhân tới suy tư đồng điệu với cuốn sách “Con đường tôi đi – Con đường của mây trắng” (1975) của Osho, Tia-Thuỷ Nguyễn tìm thấy được tầng tầng lớp lớp những đám mây cảm xúc của riêng mình – lúc bao la quạnh quẽ, khi lại rực rỡ hy vọng.
Trải nghiệm đặc biệt của giới mộ điệu nghệ thuật Paris
“Lấp lánh giữa Bao la” đã khiến những người xem triển lãm đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đó là cách Tia-Thủy Nguyễn chắt lọc và thể hiện kỹ thuật sáng tác mới. Cô phát triển bố cục của tác phẩm bằng các sắc độ của một màu sơn khác nhau, sau đó ‘vẽ’ đè lên chúng bằng các kĩ thuật thủ công đa dạng. Tổng hòa của muôn vàn hạt cườm lấp lánh, hàng nghìn mét sợi len nhiều màu sắc kết hợp cùng sợi đay và vải sợi tre đã tạo nên những quang cảnh sống động, rực rỡ. Sự chìm nổi, hay đan cài của các vật liệu mang tới hiệu ứng lấp lánh mà vô cùng hài hòa trên bề mặt tác phẩm. Không chỉ vậy, việc các lớp chất liệu luôn chồng đè lên nhau, kiến tạo phong cảnh chung nhưng đồng thời cũng che lấp lẫn nhau phần nào gợi ra liên tưởng tới những câu chuyện, trải nghiệm cảm xúc được người nghệ sĩ nén lại trong quá trình hình thành tác phẩm.
Việc sử dụng những màu sắc gam ấm với cách phối màu tươi sáng, rực rỡ, có phần ngẫu hứng của Tia-Thủy Nguyễn được cô lấy cảm hứng từ thể loại tranh dân gian Hàng Trống. Việc áp dụng tài tình tinh thần của các thể loại nghệ thuật dân gian là một “tài năng đặc biệt”, giúp Tia-Thủy Nguyễn hình thành một chân dung nghệ thuật rất riêng, rất “ Việt Nam” khi tác phẩm của cô đứng cạnh các nghệ sĩ quốc tế.
Có mặt tại Triển lãm Lấp lánh giữa Bao la, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và người yêu nghệ thuật đã dành những lời khen có cánh cho Tia-Thủy Nguyễn. Almine Rech cho biết: “Lần đầu tiên nhìn thấy những bức tranh về bầu trời của Tia-Thùy Nguyễn, tôi ngay lập tức bị thu hút bởi khả năng cấu trúc và trí tưởng tượng của cô về không gian xung quanh chúng ta: bầu trời trong những miền không khí khác nhau, bầu trời từ hoàng hôn đến bình minh, hay ban đêm. Tôi rất muốn biết về niềm đam mê của cô với những bức tranh này. Tác phẩm của cô truyền tải cả vẻ đẹp lẫn cảm giác sợ hãi mà bầu trời có thể mang lại; cho thấy sự kiên nhẫn trong quy trình tạo nên tác phẩm, tốn nhiều thời gian để tô điểm những bức tranh sơn dầu trên canvas bằng hạt cườm, tác phẩm thể hiện những cảm xúc như tình yêu, sự sợ hãi và hy vọng trong những ngày dài chờ đợi một người lính hoặc phi công hy vọng trở về sau chiến tranh”.
Trong buổi triển lãm, Tia-Thuỷ Nguyễn dành sự cảm ơn đến Almine Rech đã tạo nên một cơ duyên tốt đẹp, mang đến việc hợp tác về mặt nghệ thuật, giao thoa giữa hai tư duy sáng tạo. Cô cũng chia sẻ: “Những câu chuyện của bố đã góp phần định hình cho tôi khả năng quan sát sâu sắc và mày mò nghiên cứu, cũng như cách tôi sống và đối diện với vạn vật trong cuộc sống. Sự kiên nhẫn, quyết tâm, phấn đấu cũng là những giá trị mà tôi đã học được từ sự nghiệp của ông và áp dụng vào cuộc sống, nghệ thuật của mình. Tôi hy vọng Lấp lánh giữa Bao la sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời và tạo nên sự “lấp lánh” trong lòng người thưởng lãm”.
Triển lãm tại Almine Rech được đón nhận tại Pháp đã cho thấy chỗ đứng độc đáo của Tia-Thủy Nguyễn trong quang cảnh mỹ thuật đương đại. Bên cạnh đó, người xem cũng không thể phủ nhận tình cảm và những đóng góp lớn lao của cô trong hành trình bảo tồn và phát triển những nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật dân gian Việt Nam.