Với các chính sách phát triển phù hợp, sự đoàn kết của các doanh nghiệp và sự đón nhận của khán giả, điện ảnh Việt đang được trao cơ hội lớn để phát triển toàn diện và đạt được những bước tiến mới trong tương lai.

Sau một mùa phim Tết thành công với tổng doanh thu trên 600 tỷ đồng mà phần lớn đến từ hai tác phẩm “Nhà Bà Nữ” và “Chị Chị Em Em 2”, ngành phim chiếu rạp Việt Nam hoàn toàn có quyền lạc quan về một tương lai với những bộ phim “nghìn tỷ”. Dù vẫn còn đó những khó khăn chung của ngành điện ảnh sau hai năm dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành phim chiếu rạp trong nước đang được trao cơ hội lớn để phát triển toàn diện và đạt được những bước tiến mới.

“Nhà Bà Nữ” và “Chị Chị Em Em 2” đã mang lại một mùa phim Tết rực rỡ cho điện ảnh Việt

Tạo mọi điều kiện phát triển cho phim nội địa

Theo Nghị định 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh về tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc, kể từ năm 2023, phim Việt sẽ được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ hằng ngày, với tỷ suất chiếu được bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm. Với quy định này, các nhà làm phim trong nước có thể yên tâm về số lượng suất chiếu lẫn khung giờ chiếu của phim Việt khi phát hành tại hệ thống rạp.

Bên cạnh hành lang pháp lý trong ngành được chú trọng và cải thiện thông qua các chính sách cụ thể, phim nội địa cũng đã và đang nhận được sự quan tâm của các đơn vị sản xuất, đầu tư phim. Nhiều dự án phim khai thác chất liệu lịch sử, văn hóa Việt như “Đất Rừng Phương Nam”, “Lật Mặt 6: Tấm Vé Định Mệnh”, “Tết Ở Làng Địa Ngục”, “9 Giờ Bão Lửa”, “Hoàng Hậu Cuối Cùng”, “Chạm Vào Hạnh Phúc”… sẽ sớm ra mắt khán giả trong thời gian tới. Với sự tham gia của các đơn vị sản xuất phim có sự quan tâm đến bản sắc văn hóa Việt, khán giả hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào các dự án phim nội địa đáp ứng về mặt chuyên môn lẫn thị hiếu khán giả đại chúng.

Hàng loạt dự án phim về lịch sử, văn hóa Việt sẽ ra mắt khán giả trong thời gian tới

Ngoài ra, thông qua các chương trình có mục tiêu nuôi dưỡng và trao cơ hội cho các nhà làm phim trẻ như Dự án phim ngắn CJ, Nhà biên kịch tài năng, Gặp gỡ mùa thu… giới làm phim trong nước, đặc biệt là các nhà làm phim độc lập, cũng sẽ có thêm điều kiện để trau dồi chuyên môn, hiện thực hóa các dự án phim nghệ thuật để từ đó đóng góp và đa dạng hóa thị trường phim nội địa trong tương lai.

Phim thế giới đến gần hơn với khán giả Việt

Trong nhiều năm trở lại đây, khán giả Việt đã có cơ hội thưởng thức nhiều bom tấn đến từ các studio lớn của Hollywood như Universal, Paramount, Warner Bros., từ các nền điện ảnh phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Trước số lượng phim nội địa ra rạp vẫn còn hạn chế (khoảng 40 phim/năm), việc các bộ phim quốc tế được phát hành đều đặn tại Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào thị trường điện ảnh trong nước, giúp duy trì sự vận hành ổn định của hệ thống rạp chiếu và tạo cơ hội để khán giả tiếp cận với các xu hướng điện ảnh trên thế giới.

Trong một bài phỏng vấn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá: “So với thời kỳ trước, hệ thống rạp như CGV, Lotte đã đem đến cho người xem những trải nghiệm mới, thực sự cập nhật khi được xem cùng lúc với các buổi ra mắt phim của thế giới, những tiện nghi khiến người xem cảm thấy thoải mái, hấp dẫn. Đó là những yếu tố tích cực làm thỏa mãn nhu cầu điện ảnh của người xem.” (nguồn)

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội 

Trong thời gian tới, các rạp sẽ tiếp tục giới thiệu đến khán giả Việt nhiều tác phẩm quốc tế, từ phim bom tấn cho đến những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và được giới chuyên môn công nhận. Bên cạnh đó, với cơ sở hạ tầng rạp chiếu ngày càng phát triển, trải nghiệm điện ảnh của khán giả trong nước hứa hẹn sẽ tiếp tục được cải thiện qua các công nghệ trình chiếu cao cấp nhất như IMAX, 4DX, SCREENX…

Tỷ lệ người đi xem phim rạp ngày càng tăng

Thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển

Theo số liệu của ngành điện ảnh, trong năm 2019, mỗi người Việt đi xem phim rạp trung bình 0,6 lần/năm. Trong khi đó, con số này với các nước trong khu vực là 4 lần/năm (Hàn Quốc), 3,4 lần/năm (Singapore), 2,4 lần/năm (Malaysia) – thống kê của LHP Cannes. Tuy nhiên, rất nhiều khán giả Việt đi xem phim từ 5 đến 50 lần/năm. Nên ước lượng số người ra rạp xem phim tại Việt Nam chỉ khoảng 5 – 8 triệu người, tức chiếm khoảng 5% – 8% dân số, và 80% là dưới 30 tuổi. Do đó, so với các nước khác, thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Nội dung CJ CGV Việt Nam

Về việc tăng tỷ lệ người đi xem phim rạp trong nước, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Nội dung CJ CGV Việt Nam cho biết: “Bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh của Nhà nước, khán giả đến rạp nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào số lượng phim và chất lượng phim, đặc biệt là phim Việt Nam. Đây cũng là một mối quan hệ tương hỗ, khán giả ra rạp nhiều, nhà sản xuất sẽ có kinh phí để tiếp tục sản xuất phim, các cụm rạp có điều kiện mở rộng ra nhiều tỉnh thành hơn, và điều này lại giúp mang lại cơ hội cho khán giả tại những nơi chưa có rạp chiếu, nâng tỷ lệ khán giả xem phim rạp. Chỉ cần chúng ta đạt mức như thị trường Malaysia, chúng ta đã có thể có hơn 200 triệu lượt người xem phim mỗi năm và lọt vào top 5 nước có lượng người xem phim tại rạp trên thế giới.”

Nên trên hết, chính khán giả mới là người có khả năng biến giấc mơ lớn của điện ảnh Việt thành sự thật với gu thưởng thức, với quyết định ra rạp của mình. Điện ảnh Việt có đạt được những bước tiến mới hay không là dựa vào sự phối hợp hài hòa giữa các bên liên quan, nhưng cốt lõi vẫn là sự ủng hộ của khán giả với phim rạp./.