Tháng 9 này, Jordan Peele sẽ đem đến cơn ác mộng mới mang tên KHÔNG (tựa gốc: NOPE). Kết hợp khoa học viễn tưởng với yếu tố kinh dị kỳ bí, cùng bối cảnh ngoại ô thành phố rộng lớn, hậu trường sản xuất KHÔNG tràn ngập những yếu tố bất ngờ đầy thú vị.
Bộ phim lấy cảm hừng từ Steven Spielberg và M. Night Shyamalan
Cân bằng tuyệt vời giữa nỗi sợ hãi và sự kinh ngạc, KHÔNG có quy mô lớn hơn bất kỳ tác phẩm nào mà Jordan Peele từng làm trước đó. Nhà làm phim tài ba cho biết cảm hứng của bộ phim đến từ những “cây đa cây đề” trong thể loại khoa học viễn tưởng, kinh dị như Steven Spielberg (chủ nhân của phim Close Encounters of the Third Kind) hay M. Night Shyamalan (đạo diễn phim Signs). Peele cho biết: “Close Encounters of the Third Kind” đã có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi về quy mô và hình ảnh. Chính Steven Spielberg là người khiến chúng ta tin rằng có sự hiện diện của một thứ gì đó tới từ thế giới khác trong chính thế giới của chúng ta”.
Bối cảnh hoành tráng: Dựng sân vận động 938 chỗ ngồi trong 14 tuần
KHÔNG lấy bối cảnh vùng thung lũng Santa Clarita khô cằn và lởm chởm đất đá nơi hai anh em OJ Haywood (Daniel Kaluuya) và Emerald Haywood (Keke Palmer) đã được thừa kế một trại ngựa do cha để lại. Họ sống trong một căn nhà gỗ hai tầng giản dị, bao quanh là trại ngựa, cát và gió đặc trưng của vùng viễn Tây. Và gần đó là Jupiter’s Claim – một công viên chủ đề được sở hữu và vận hành bởi Ricky “Jupe” Park (Steven Yeun) – cựu ngôi sao nhí từng bị những câu chuyện đăng tải trên báo lá cải đeo bám. Điều đáng chú ý đó là toàn bộ thị trấn bao gồm cả công viên chủ đề đều hoàn toàn được dựng lên, thay vì quay tại địa điểm sẵn có.
Thiết kế sản xuất Ruth De Jong trước đó đã từng hợp tác với đạo diễn Peele trong Us, và khi thống nhất sẽ lựa chọn một thị trấn miền Tây làm bối cảnh cho KHÔNG, họ đã xác định rằng mình sẽ phải dựng lên tất cả mọi thứ. “Phim không có quá nhiều cảnh quay nhưng tất cả chúng đều rất quan trọng. Tôi đã bắt đầu công việc của mình bằng cách đi khắp các thị trấn quanh California, Montana, Nevada, Arizona cũng như xem rất nhiều bộ phim về miền Tây như “Heaven’s Gate” và “Once Upon a Time in the West”, quan sát rất nhiều bối cảnh trong các bộ phim đó và nhận ra chúng tôi không mong muốn dựng lên một không gian truyền thống cho KHÔNG. Thế giới của KHÔNG sẽ vừa mang nét đặc trưng của miền Tây trong quá khứ lại vừa mang dáng vẻ của thời hiện đại nhiều màu sắc.”
Thị trấn trong phim được dựng chi tiết gồm có: văn phòng cảnh sát trưởng, vườn thú cưng, tàu chạy bằng hơi nước, cửa hàng kẹo, tiệm tạp hóa, tiệm cắt tóc, bưu điện, quán rượu, công ty da, trạm cứu hỏa, nhà thờ, nghĩa trang và một sân vận động hình móng ngựa có tới 938 chỗ ngồi. Jupiter’s Claim là một trong số những điểm nhấn giúp cho KHÔNG trở nên khác biệt so với các phim kinh dị khác. Công viên giải trí và sân vận động của nó đã mất tổng cộng tới 14 tuần để xây dựng.
Trong khi đó, ngôi nhà của hai anh em nhà Haywood cũng tốn không ít thời gian và tâm sức để xây dựng. De Jong cho biết: “Mục tiêu của tôi khi thiết kế và dàn dựng nên ngôi nhà chính là không gian nơi đây phải khiến khán giả cảm thấy như thể họ hiểu được tại sao gia đình Haywood lại sống ở đây, họ đã sống như thế nào, lịch sử của ngôi nhà này và những người từng sống ở đây trước đó.” Nhóm thực hiện đã mất tới 10 tuần để dựng nên ngôi nhà mang phong cách farmhouse gồm 2 tầng này.
Phục trang tỉ mỉ: Daniel Kaluuya cần tới 10 chiếc quần jean màu xanh
Nhân vật chính trong phim, OJ Haywood (Daniel Kaluuya thủ vai) là một người kiệm lời, sống nội tâm. Lựa chọn trang phục của nhân vật cũng đã ít nhiều nói lên tính cách của anh chàng. Anh ta hầu như chỉ mặc toàn đồ hiệu có được từ những dự án điện ảnh và truyền hình mà anh từng tham gia. Trong khi đó cô em gái Emerald thường thu thập những món đồ mượn được từ mọi người, và tủ quần áo của cô ấy đã phản ánh điều đó.
Vì phải làm việc dưới nhiệt độ cao tới mức khắc nghiệt trong một không gian đầy bụi bặm, hầu hết các diễn viên đều cần thêm những bộ trang phục dự bị. Daniel Kaluuya cần tới 10 chiếc quần jean màu xanh trong quá trình nhập vai OJ.
Thủ pháp quay phim ấn tượng: Hơn 40% thời lượng được ghi hình bằng máy quay IMAX và 100% các cảnh quay đều được thực hiện với phim khổ lớn 65 mm
Gánh vác trọng trách tạo nên những khung hình ấn tượng cho KHÔNG là quay phim từng nhận đề cử Oscar Hoyte van Hoytema, người đã từng hợp tác với đạo diễn Christopher Nolan trong hai dự án điện ảnh quy mô là Dunkirk và Tenet. Một trong số những thách thức lớn nhất đặt ra với Hoytema cùng nhóm quay trong quá trình thực hiện bộ phim chính là việc tiến hành ghi hình cho những cảnh diễn ra vào ban đêm. Khi ánh sáng nhân tạo bị loại bỏ khỏi nơi rộng lớn như trang trại Agua Dulce, mắt thường cũng nhìn thấy ánh sáng lấp lánh từ trăng sao, thì nỗi sợ bóng tối trở nên ngột ngạt. Để ghi lại cảm giác ấn tượng đó, Hoytema đã chế tạo một giàn máy quay kết hợp giữa camera 65mm và một máy ảnh phim.
Ông cho biết: “Chúng tôi có một số cảnh quay được tiến hành tại thung lũng vào ban đêm, và thung lũng đó mới rộng lớn làm sao. Nó được bao quanh bởi những dãy núi, và không có đủ ánh sáng cần thiết. Đây là vấn đề muôn thuở khi quay phim trong không gian ngoài trời vì sẽ chẳng có nguồn sáng nào ngoại trừ Mặt Trăng. Vì thế, chúng tôi đã nghĩ tới thủ pháp day-for-night (ghi hình vào ban ngày nhưng khi chiếu lên màn ảnh rộng sẽ là ban đêm). Đây là một thủ pháp được áp dụng rộng rãi ở Hollywood nhằm giải quyết những vấn đề này.” Hơn 40% thời lượng của KHÔNG được ghi hình bằng máy quay IMAX và 100% các cảnh quay đều được thực hiện với phim khổ lớn 65 mm. Trong 4 máy quay IMAX đã được sử dụng phục vụ cho quá trình quay phim, có một chiếc từng được dùng để ghi hình cho Everest.