Với số lượng người thường xuyên sử dụng internet vượt hơn 1 tỉ, Trung Quốc buộc phải đưa ra những quy định chặt chẽ cho ‘ngôi nhà chung’ này.
Cục Quản lý không gian mạng Trung ương Trung Quốc đã ban hành “Thông báo về công tác quản lý thông tin trên mạng của các ngôi sao giải trí” nhằm quy định rõ ràng hơn những thông tin mà người nổi tiếng được đăng tải trên các trang báo mạng, mạng xã hội, bình luận của cộng đồng… từ ngày 23.11.2021.
Văn hóa hâm mộ ngôi sao đang được các nhà quản lý Trung Quốc tích cực điều chỉnh, hướng dẫn theo hướng văn minh
WEIBO
|
Những năm gần đây, xu hướng giải trí trực tuyến ngày càng tăng nhưng qua đó cũng kéo theo những hệ lụy khó lường vì tính chất đặc thù của mạng xã hội. Những trang tin chạy theo dư luận, các mạng xã hội bị thao túng trở thành nơi chỉ trích của một số người giấu mặt tạo nên sự nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến an ninh mạng cũng như đời sống xã hội.
Vì thế Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc đã ban hành 15 biện pháp cụ thể gồm 4 khía cạnh: định hướng nội dung, trình bày thông tin, quản lý tài khoản và định hướng dư luận để chấn chỉnh. Theo đó, các nội dung đăng tải về người nổi tiếng phải được định hướng chặt chẽ, tăng cường hướng dẫn tích cực, thiết lập danh sách các nghệ sĩ, sự việc tiêu cực, nghiêm cấm thông tin về các quan điểm thẩm mỹ lệch lạc, tự tạo tin đồn dung tục, bình luận ác ý, tung tin đồn thất thiệt, hướng dẫn “fan cuồng” cách theo đuổi thần tượng…
Quy định cũng chia các thông tin nghệ sĩ đưa lên mạng xã hội gồm 6 nội dung có thể ảnh hưởng là tác phẩm nghệ thuật, trạng thái cá nhân, sự kiện thương mại, thông cáo báo chí, thông báo vì cộng đồng, thông báo bản quyền… Những nội dung này được đánh giá có ảnh hưởng đến việc tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, cũng như sẽ lọt vào các bảng xếp hạng tin tức “nóng”. Do đó cơ quan quản lý yêu cầu các nghệ sĩ, công ty đại diện, nhóm người hâm mộ (fanclub)… điều chỉnh thông tin về người nổi tiếng của lĩnh vực giải trí chặt chẽ. Động thái này nhằm nhấn mạnh việc người hâm mộ quá khích trong việc tìm kiếm, bình luận về đời tư của nghệ sĩ khiến không gian mạng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lấn át các tin tức tích cực khác.
Không gian mạng kết nối con người nhưng cũng ẩn chứa nhiều điều phức tạp
|
Theo QQ, quy định quản lý khắt khe này của Trung Quốc đã gây chú ý cho truyền thông nước ngoài như Nhật, Đức… Thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông mạng, các trang mạng xã hội đã khiến nhiều người nổi tiếng mong muốn phải trở thành tiêu điểm trên mạng. Đồng thời nhiều nền tảng, mạng xã hội cũng mong muốn có được lượng người theo dõi khổng lồ nên thu hút bằng tin tức của người nổi tiếng với dạng tin càng “sốc” càng tốt. Như một nghệ sĩ ở trong ngôi nhà hàng ngàn mét vuông, lái một ô tô hạng sang trị giá hàng triệu đô la, chia tay người yêu, ly hôn, ngoại tình… Các thông tin đôi khi được thổi phồng bằng cách mua lượt xem, thuê paparazzi chụp ảnh chuyên nghiệp. Nhiều nghệ sĩ không ngại tiêu cực, chỉ sợ không có tin tức được chú ý. Do vậy các thông tin dạng này đã phủ dày đặc mọi ngóc ngách trên mạng, ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật chân chính.
Việc cấm phô trương giàu có, tôn sùng văn hóa vật chất của chính phủ Trung Quốc vì không muốn làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Hiện nay 97,8% người dân nước này có thu nhập dưới 10.000 tệ/tháng (khoảng 35 triệu đồng). Chỉ có 700.000 người thu nhập trên 1 triệu nhân dân tệ/năm, tức là chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Việc người nổi tiếng khoe khoang cuộc sống sang chảnh khiến 80% học sinh tiểu học ở Bắc Kinh trong một khảo sát đã xem việc trở thành người nổi tiếng trên mạng là một nghề nhanh chóng kiếm tiền.
Con gái MC Lý Tương gặp bình luận xấu vì được mẹ phủ hàng hiệu khoe giàu từ bé
|
Ngôi sao nổi tiếng “khoe của” bị thị phi nhất là MC Lý Tương của Đài truyền hình CCTV. Sau khi con gái tham gia mùa đầu tiên năm 2014 Bố ơi mình đi đâu thế, cô đã sắm hàng hiệu cho con từ đầu đến chân để dẫn đi dự nhiều sự kiện, khoe ảnh trên mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công chúng nên từ năm 2016 Trung Quốc đã cấm chương trình thực tế có sự tham gia của trẻ em trên sóng truyền hình. Sau đó Lý Tương vẫn tiếp tục thông tin về việc ở khách sạn 6.000 nhân dân tệ/đêm (21 triệu đồng), mua xe hơi 5 triệu nhân dân tệ (17 tỉ đồng)…
Tổng biên tập Bazaar Trung Quốc là Tô Mang trong một chương trình truyền hình thực tế đã chê bai tiền ăn 650 tệ (2,3 triệu đồng)/ngày là quá ít đã dấy lên tranh cãi về mức sống xa hoa của người nổi tiếng. Mà trong số đó có không ít nghệ sĩ giàu có nhưng lại trốn thuế, ví dụ Trịnh Sảng kiếm được 2,08 triệu nhân dân tệ (7,4 tỉ đồng) mỗi ngày đóng phim nên uống nước suối giá 1.580 tệ (5,7 triệu đồng)/chai trong khi cô đã trốn thuế 300 triệu nhân dân tệ (1.077 tỉ đồng).
Theo Thanhnien