(TP.HCM) Ngày Chủ nhật (13/3/2022) vừa qua, ngày hội Việt phục Tóc Xanh Vạt Áo lần thứ 2 đã được tổ chức tại khuôn viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM (số 10-12, Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1) thu hút hàng nghìn lượt tham dự, đa phần là các khán giả trẻ và những người yêu mến văn hóa truyền thống Việt Nam. Sự kiện do Đoàn Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, phối hợp với thương hiệu Việt phục Hoa Niên – Năm Tháng Tươi Đẹp tổ chức, với nhiều đơn vị cùng đồng hành. Ngày hội Việt phục Tóc Xanh Vạt Áo 2022 cũng là sự kiện mở đầu cho tuần lễ văn hóa Sóng Đôi 2022 tại trường ĐHKHXH&NV TP.HCM.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Tiến sĩ Lê Thị Ngọc Điệp – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHKHXH&NV đã bày tỏ sự vui mừng khi ngày hội được diễn ra lần thứ 2, chứng tỏ tình yêu của giới trẻ dành cho văn hóa truyền thống cha ông vô cùng nghiêm túc và đầy đam mê. Cô cho biết: “… Trải qua nhiều năm tháng, đối diện với việc đứt gãy văn hóa, chiếc áo dài truyền thống những tưởng đã thất truyền nay đã được chính các bạn trẻ khôi phục lại…

 

Đây là lần thứ 2 ngày hội Tóc Xanh Vạt Áo được tổ chức sau thành công của năm 2021. Năm nay với chủ đề chính “Hương Sắc”, ngày hội hướng đến sự đa dạng về bản sắc văn hóa Việt. Không chỉ gói gọn trong lĩnh vực trang phục mà còn mở rộng ra về phục sức, thư pháp, sưu tầm đồ cổ, ẩm thực,… Tại ngày hội, đông đảo các bạn trẻ đã tự tin khoác lên mình những chiếc áo truyền thống, gặp gỡ các bạn bè cùng sở thích, có thêm kiến thức và lưu lại nhiều khoảnh khắc đẹp. 

 

Ngày hội Việt phục Tóc Xanh Vạt Áo 2022 bao gồm gian hàng của các đơn vị nghiên cứu, phục dựng văn hóa Việt Nam của người trẻ: Hoa Niên – Năm Tháng Tươi Đẹp (trang phục triều Nguyễn); Áo Dài Năm Tuyền (áo ngũ thân ứng dụng); Phượng Điển (phục dựng trang sức của hậu phi triều Nguyễn), Chiêu Minh Các (phục dựng các loại kim khánh, kim bài); Sử Talk (tọa đàm về các chủ đề văn hóa – lịch sử); Gánh Hát Lưu Diễn Muôn Phương (các loại hình diễn xướng nghệ thuật truyền thống); Tarot Kiều, Áo dài Tarot,… (kết hợp văn hóa Tarot phương Tây với hình ảnh Việt Nam); Thư pháp Trí Ninh. Đặc biệt còn có sự xuất hiện của nhóm Chiêm Thành Vương Các của các bạn trẻ người Chăm, càng nhấn mạnh thông điệp tôn vinh sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam.

 

Xuyên suốt ngày hội, phía BTC kết hợp với Sử Talk cũng đã tổ chức các buổi tọa đàm tại sân khấu chính: “Hoa Cúc và biểu tượng Vương quyền” (diễn giả: Nghệ nhân – Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc); “Lịch sử áo dài, trang phục Chăm và vai trò trong đời sống xã hội” của nhóm Chiêm Thành Vương Các, “Hình ảnh áo dài trong văn hóa Việt Nam và thế giới” (diễn giả: TS. Ngô Hồ Anh Khôi). Bên cạnh đó còn có các tiết mục trình diễn 2 loại hình nghệ thuật truyền thống là quan họ Bắc Ninh và cải lương (trích đoạn Nữ tướng Bùi Thị Xuân). 

 

Đêm Gala Tóc Xanh Vạt Áo là sự kiện tổng kết được tổ chức vào buổi tối cùng ngày không chỉ quy tụ đông đảo học sinh – sinh viên mà còn có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng xuất hiện ở thảm đỏ: Tiến sĩ – NSƯT Hải Phượng, Giám đốc Sáng tạo Denis Đặng, rapper Rtee, nữ ca sĩ Hoàng Duyên,…

Buổi tọa đàm chính mang tên Hương Sắc với 4 diễn giả: TS. Đào Minh Hồng (Nguyên Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐHKHXH&NV), TS. Hồ Minh Quang (Trưởng Khoa Đông Phương học, ĐHKHXH&NV), Nghệ sĩ Phương Thanh và anh Tôn Thất Minh Khôi (đồng sáng lập ngày hội). Với sự dẫn dắt của MC Hồng Loan, 4 diễn giả đã có những chia sẻ và góc nhìn đầy thú vị và thu hút xoay quanh vấn đề cổ phục, những định kiến về giới cũng như hiểu rõ hơn về phong trào nữ quyền. Nữ ca sĩ Phương Thanh cũng cho biết: “Từ trước đến nay việc theo đuổi các phong cách rock, hip-hop,… là tôi làm theo đúng trào lưu. Nhưng về cội nguồn, tôi vẫn yêu Việt phục vì khi mặc lên tôi trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát và chú ý hơn từ cử chỉ đến hành động”.

Đêm gala cũng thêm phần trọn vẹn khi nữ ca sĩ Hoàng Duyên trong trang phục Nhật bình triều Nguyễn đã mang đến 3 ca khúc được nhiều người yêu mến: Chàng Trai Sơ Mi Hồng – Sài Gòn Đau Lòng Quá – Mê. Cô cũng hãnh diện khi cho biết: “Mọi người khẳng định rằng Duyên mặc Việt phục vẫn là đẹp nhất và hợp nhất”.

 

TS – NSƯT Hải Phượng cũng bày tỏ niềm vui khi ngày càng có nhiều người trẻ đam mê văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Rapper Rtee cho biết đã học hỏi thêm được rất nhiều điều từ ngày hội để mang vào các sản phẩm âm nhạc của anh. Giám đốc Sáng tạo Denis Đặng cũng hé lộ việc sẽ mang trang phục truyền thống Việt Nam vào các dự án âm nhạc sắp tới.

 

Đêm gala khép lại với hoạt cảnh sân khấu Câu Thề Non Nước quy tụ dàn diễn viên trẻ đầy triển vọng của Trường Sân khấu Điện ảnh. Khán giả lặng người với câu chuyện về việc Công nữ Ngọc Vạn (con gái của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên) được gả đi Chân Lạp để mang lại bang giao hòa hiếu cho 2 nước, về những dằn vặt nội tâm của nàng Công nữ trước khi bị gả đi nơi xa để mang lại bình yên cho nhân dân hai nước. Điểm nhấn của sân khấu còn là đoạn đối thoại giữa Công nữ Ngọc Vạn với Huyền Trân Công chúa khiến khán giả theo dõi say mê, thêm mở mang về kiến thức lịch sử.

Ngày hội Việt phục “Tóc Xanh Vạt Áo” thực sự là một ngày hội văn hóa lớn của các bạn trẻ tại TP.HCM. Phát biểu tại sự kiện, anh Tôn Thất Minh Khôi (đồng sáng lập, đồng Trưởng BTC) cho biết: “Tham vọng của Tóc Xanh Vạt Áo chính là trở thành một ngày hội thường niên nơi tất cả mọi người đều tự hào diện lên mình chiếc áo truyền thống chuẩn của dân tộc. Sắp tới, rất hi vọng Tóc Xanh Vạt Áo có thể lan rộng khắp các tỉnh thành, trước mắt chúng tôi đặt mục tiêu sẽ mang ngày hội đến với Hà Nội và Huế…”

 

Ngày hội là hoạt động trọng điểm và mở màn cho Tuần lễ văn hóa Sóng Đôi được tổ chức từ ngày 13/3 – 19/3/2022, với 5 hoạt động chính: Lễ Khai mạc tuần lễ và Ngày hội Việt phục “Tóc Xanh Vạt Áo”, Tuần lễ điện ảnh “Phim Việt hôm nay”, Triển lãm mỹ thuật “Dòng chảy đôi mươi”, Cuộc thi ảnh “Nét Việt”, Lễ Bế mạc tuần lễ và chương trình âm nhạc dân tộc học đường “Thường thức trăm năm”. Tuần lễ văn hoá “Sóng đôi” năm 2022 do Đoàn trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, Quận Đoàn Phú Nhuận và các đơn vị có chuyên môn phối hợp tổ chức nhằm nâng cao văn hóa thưởng thức của sinh viên và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.