Gần một năm từ khi ra mắt, gánh ca diễn Phụng Hoàn Ban của bà bầu Trác Thúy Miêu đã để lại trong lòng mỗi khán giả “thị dân” những cảm xúc ngỗn ngang khó tả với 2 vở diễn “Châu báu và Tông đồ” cùng “Đêm Hoa Lệ”. Trước mỗi đêm diễn là mỗi cuộc “canh tân” của tác giả- dẫn truyện Trác Thúy Miêu cùng đạo diễn tài năng Lê Nghĩa, cho nên chẳng đêm diễn nào bị trùng lắp và chưa đêm nào gây nhàm chán cho khán giả. Minh chứng cho điều đó là những tiếng vỗ tay không dứt cùng những tràn cười trào phúng và những giọt nước mắt lưng tròng xúc động vào suất diễn “Đêm Hoa Lệ” vào tối 19/05 vừa qua.
Chương trình sử dụng trình thức ca kịch trích lục, xâu chuỗi và liên kết những trích đoạn nghệ thuật bằng lời dẫn lôi cuốn và dàn dựng tài tình, Phụng Hoàng Ban nhiều suất đã thắng lớn trong lòng công chúng ngay từ những giây phút đầu tiên trước khi mở màn.
Xuyên suốt vở diễn là một dòng chảy thời gian, cái chất Sài Gòn xưa liên tục được tái hiện qua lời dẫn cuốn hút của “người đàn bà yêu Sài Gòn cuồng nhiệt” – Trác Thúy Miêu. Khung cảnh không gian liên tục biến chuyển và dừng lại ngay đúng lúc vang lên những “giọt đờn tài tử thuở khẩn hoang”.
Trước khi tiếng đờn khoan nhặt vừa chấm dứt, ngay khi cánh rèm nhung tài tử khép vào, người đàn bà yêu Sài Gòn thốt lên trong niềm tha thiết rằng liệu đây có phải Sài Gòn. “Nếu muốn đến Sài Gòn, thì tới Đình Cầu Quan, gặp ông bà Bầu Thắng !” – người nghệ nhân ca tài tử trả lời…Thế rồi hành trình tiếp tục, không gian lại xoay chuyển, vang lên đâu đấy tiếng trống chầu dồn dập, tiếng kèn lá oai nghiêm mà khí phách hơn là những gương mặt tuồng mang nhiều đường nét và mảng màu đầy thần sắc. Nghệ thuật Hát Bội chưa bao giờ dung dị và gần gũi đời thường như giây phút này. Trên mảnh đất đình đã nuôi một gia tộc sáu đời ăn cơm Tổ, những đường thương lộng đao múa bộ, hình ảnh cây giáp nam của nghệ thuật Hát Bội Việt oai dũng đến bất ngờ.
Rồi khi vãn lớp tuồng, những giọt nước mắt của người hậu duệ tuổi xế chiều trước bàn thờ Tổ Nghiệp lại rơi, rơi trong tiềm thức nức nở về cái ngày còn thiếu niên xốc nổi thơ ngây bên cánh gà sân khấu. Trước sứ mạng nghiệp Nghề còn trước mắt, nghệ sĩ Thanh Sơn-vị tông đồ cao quý tự nhủ sống thác trọn với Nghề trong thổn thức khi nghệ thuật truyền thống đang bảo hòa, bất định.
Cánh màn nhung lại khép, cái hình ảnh dễ thương của phố thị Sài Gòn xưa chợt xuất hiện, những tà áo dài thiếu nữ tha thướt dập dìu bên những chiếc âu phục chemise lịch duyệt trước cửa những nhà hát cuối tuần, mà cái thời điểm đó, các thị dân ăn mặc như một văn hóa để tới nhà hát, hầu mong giải trí và thưởng thức lối nghệ thuật thời thượng nhất thuở bấy giờ – “Cải Lương”. Thừa kế tinh hoa của đờn ca tài tử, lĩnh hội giá trị nghệ thuật của hát bội, Cải Lương ra đời mang tính chất nghệ thuật cách tân không ngừng, tạo nên điểm sáng mới tinh khôi như một hậu duệ trẻ tài hoa ra đời dưới hào quang sân khấu.
“Ngũ Vân Thiệu thất ải Nam Dương” – một điển tích xa xưa ca ngợi hào khí trang anh hùng mã thượng. Được “cải lương” bởi Quán quân Sao nối ngôi Lê Nguyễn Trường Giang – hậu duệ đời thứ 5 của gia tộc Minh Tơ và những bạn nghệ sĩ trẻ yêu nghề: Ngọc Huyền, Thanh Long,… Những đòn trốc ngựa, vung đao, ca cổ, thán quảng,…lần lượt phô bày trước những tràng pháo tay tán thưởng không ngớt và nỗi xót xa khi những giọt mồ hôi nghệ sĩ rơi không ngừng thấm ướt sàn sân khấu.
Những xiêm giáp tả tơi, dòng máu đỏ tươi và thần thái oai nghiêm kinh hồn của những bóng ma sân khấu nơi rạp hát bỏ hoang, được hiệu triệu trước lời ta thán cưu hờn đầy tha thiết của “người đàn bà yêu Sài Gòn cuồng nhiệt”, để rồi cánh màn nhung khép vội đã đóng băng đi một kiếp tuồng còn dang dở khi bên tai còn văng vẳng bản Auld Lang Syne bổng trầm.
Giờ giải lao đã điểm, vở diễn tạm ngưng nhưng người diễn thì không, có thể thấy đã là “gà” của gánh Phụng Hoàng thì vị trí nào cũng có bàn tay đảm nhiệm, những cô cậu diễn viên ban nãy giờ đây tay cầm túi đậu phộng luộc, bịch nước, bánh tráng đi rao bán vòng quanh trong khán phòng cho khán giả. Cái khung cảnh dễ thương ấy càng làm ta nhớ hơn những suất diễn của các rạp hát Sài Gòn ngày xưa.
“Đêm Hoa Lệ” lại tiếp diễn, cảnh lề đường bụi bặm phong trần được “trưng” lên sân khấu một cách chân thực nhất. Cũng từ đây những tiếng “cười đời” trào phúng, những tiếng trải lòng trăn trở trước nhịp sống hối hả của thị dân được cất lên một cách ngẫu nhiên, thường tình. Có lẽ chính bản thân những thị dân phố lớn Sài Gòn cũng từng ngây ngô tự hỏi bằng lời một khúc Bolero diễm tình: “Không biết đêm nay, vì sao tôi buồn…”
Nơi phồn hoa đô hội mà chàng trai trẻ tuổi (đạo diễn chương trình – Lê Nghĩa) cho là Sài Gòn, đã làm cho người đàn bà quyến rũ Trác Thúy Miêu choáng ngợp và thét lên chối bỏ, dấy lên xung đột làm chết đứng cái không khí đang sôi nổi, hỗn tạp, ồn ào. Chưa bao giờ ta được thấy cái thu mình tránh né của một Trác Thúy Miêu cá tính, kiêu kỳ trước hàng trăm những câu hỏi dồn dập của một chàng thanh niên xốc nổi đẻ muộn sanh sau rằng: “Sài Gòn mà cô nói ở đâu ?”
Tất cả những câu hỏi sẽ được giải đáp bằng tấm vé “Đêm Hoa Lệ” vào những suất diễn kế tiếp. Vẫn là bình cũ, nhưng rượu quý bên trong mỗi đêm mỗi mới, đây không là cam kết nhưng là tinh thần chung của từng cá nhân góp mặt trong gánh ca diễn Phụng Hoàng Ban. Nơi sẽ có một Trác Thúy Miêu hoạt ngôn, bí ẩn; một chàng thanh niên Lê Nghĩa sành đời, xốc nổi đi tìm về cái chất Sài Gòn hoa lệ qua khúc đờn kiềm khoan nhặt, tiếng trống chầu khai sắc, trích đoạn hồ quảng xuất thần, đôi bản Bolero lãng mạn và những xung đột kịch tính đến rơi nước mắt.
NGỌC TRUNG HIẾU