Con gái tôi học lớp 12 và chuẩn bị dự lễ tri ân. Hôm qua con thỏ thẻ: “Con chỉ mong lễ tri ân của mình không buồn tẻ như anh trai mấy năm trước, mẹ ạ”.
Nhớ mấy năm trước con trai đi dự lễ tri ân về, tôi hỏi: “Vui chứ con? Con kể mẹ nghe nào”. Mặt con nhăn nhó: “Chán lắm mẹ ạ”.
Rồi con than: “Chúng con phải ngồi chờ đại biểu hàng tiếng đồng hồ để rồi cuối cùng chỉ nhận được những bài diễn văn dài dòng. Tri ân gì mà chúng con chẳng được quan tâm, nhà trường chỉ quan tâm đến thành phần đại biểu đến dự thôi ạ”.
Con kể ngồi ở dưới đứa nào cũng làm việc riêng, nói chuyện, cười thả ga mặc kệ thầy cô phát biểu, rồi lấy điện thoại ra chụp hình, rồi ký tên lên áo của nhau để làm kỷ niệm.
Ngay ở hàng ghế đại biểu, cả thầy cô giáo, nhiều người vẫn vô tư nghe điện thoại, nhắn tin tí tách, thậm chí đọc báo, lướt Facebook và chơi điện tử.
Tôi nghe mà băn khoăn, tại sao lại như vậy? Nhân vật chính của buổi lễ là học sinh mà, các em đang muốn được tri ân thầy cô, cha mẹ, nhưng sao người lớn buộc các em phải vào vai những con rối múa theo ”chỉ đạo”, biến thành những nhân vật phụ họa cho buổi lễ?
Các em được gì ở buổi lễ tri ân khi mà các em chỉ được nhắc đến ngắn gọn trong bảng thành tích của trường, của lớp, rằng có bao nhiêu em giỏi, khá, bao nhiêu danh hiệu của thành phố, quốc gia mà các em mang về?
Tại sao không kể với các em những câu chuyện ý nghĩa, trả lời các em những điều các em tò mò? Để cho các em được nói lên suy nghĩ, tình cảm, tấm lòng của mình với những người mà các em muốn tri ân, đó có thể là thầy cô, là cha mẹ, bạn bè, cũng có thể là bác bảo vệ, là cô tạp vụ trong trường?
“Con chỉ mong lễ tri ân của mình không trở thành bộ phim buồn tẻ như anh trai mấy năm trước”. Nỗi lòng của con gái cũng là nỗi lòng của người mẹ như tôi, nhưng làm sao để thay đổi?
Các con chỉ muốn một lễ tri ân diễn ra đơn giản, chân thành mà sao khó quá?
Hải Nguyệt (Theo TTO)