Nhìn điểm số của con cao bất thường, tôi thấy rất lo. Nhất là khi con kể ‘lớp cuối cấp thường được thầy cô thương hơn mẹ ạ’.
Con gái tôi đang học lớp 9, lực học của con thế nào tôi rất hiểu. Những năm trước, chuyện con được điểm cao là rất hiếm. Thi thoảng tôi lại “được” cô giáo mời lên để nói chuyện, chủ yếu xoay quanh vấn đề lực học của con.
Bằng đủ mọi cách, tôi động viên con học tập chăm chỉ vì “cần cù bù thông minh”.
Nhưng từ khi bước vào năm cuối cấp, bỗng nhiên điểm số của con ở hầu hết các môn đều cao hơn hẳn những năm trước rất nhiều. Nếu đó là sự cố gắng của con thì tôi chẳng có gì phải phiền lòng.
Nhìn điểm số của con cao bất thường, là người mẹ, tôi thấy rất lo. Nhất là khi con kể trong giờ kiểm tra, cô giáo làm lơ như không biết học trò quay bài, xem tài liệu. Con còn bảo rằng các lớp khác cũng vậy.
“Lớp cuối cấp thường được thầy cô thương hơn mẹ ạ”, con kể. “Con còn biết nhiều phụ huynh đến gặp thầy cô để xin điểm cho con mình nữa cơ. Có bạn từ điểm trung bình lên điểm khá, có bạn từ điểm khá lên điểm giỏi đấy mẹ ạ”.
Tôi để ý thấy con tỏ ra không vui khi được thầy cô “thương” như vậy. Con nhăn nhó: “Con thấy xấu hổ mẹ ạ”. Tôi thật mừng vì con biết tự trọng.
Tôi đã gặp riêng cô giáo chủ nhiệm của con để nói về chuyện này thì cô lý giải rằng ngay từ đầu năm học, nhiều phụ huynh đã đến nói chuyện với thầy cô để mong con họ có điểm số cao để “dọn đường” vào các trường cấp 3 danh tiếng.
Quan trọng hơn, tỉ lệ học sinh trong trường đỗ vào các trường chuyên, trường nổi tiếng càng cao sẽ càng khẳng định “đẳng cấp” của trường.
Gặp cô giáo của con về, tôi càng thấy nặng nề hơn. Chia sẻ với một người bạn, tôi lại bị cho là cổ hủ, là dại, rằng con mình được thầy cô nới tay lẽ ra phải mừng, đằng này lại ủ rũ như “mất sổ gạo”.
Ôi điểm số, đến bao giờ các con mới thoát khỏi “bóng ma” của nó?
(Theo TTO)